A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC TRƯỜNG THPT PHÙ CỪ

 

Trong cuộc sống, tai nạn mà đặc biệt là đuối nước luôn là nỗi ám ảnh với bất kì ai bởi nó có thể cướp đi sinh mạng của chúng ta bất cứ lúc nào. Theo tổ chức y tế thế giới thì đuối nước được định nghĩa là hiện tượng khí quản của con người bị nước xâm nhập dẫn tới khó thở, gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Hiện tượng đuối nước ở Việt Nam đang diễn ra vô cùng phức tạp khi mỗi năm nước ta thống kê có khoảng 6400 người bị tai nạn đuối nước, đau lòng hơn trong số đó có đến hơn 50% là trẻ em và thanh thiếu niên. Nguyên nhân của hiện tượng này được đánh giá là do sự sơ suất, chủ quan, thiếu cẩn thận, thiếu kĩ năng phòng tránh đuối nước của con người. Điều này đặc biệt xảy ra ở nông thôn, nơi mà trẻ em, thanh thiếu niên thường xuyên có hoạt động tắm sông, ao nhưng lại chưa được trang bị kĩ năng bơi lội, phòng tránh, sơ cứu đuối nước.  Hậu quả của hiện tượng này chính là sự thiệt hại về cả tiền bạc, sức khỏe lẫn tính mạng của con người. Chúng ta không khỏi đau lòng trước cảnh bố mẹ, ông bà gào khóc đau khổ trong tang lễ của người con, người cháu còn đang tuổi đi học nhưng lại ra đi mãi mãi vì tai nạn đuối nước. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ mỗi chúng ta cần tự trang bị cho mình kiến thức, kĩ năng phòng tránh đuối nước, tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác khi tham gia các hoạt động dưới nước. Dưới đây là một số kiến thức cơ bản về phòng tránh tai nạn đuối nước:

1. Vì sao đuối nước thường dẫn đến tử vong?

          Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Hay nói cách khác: Chết đuối là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước.

- Người ta thống kê thấy có khoảng 4/5 trường hợp chết đuối mà trong phổi có nước và 1/5 còn lại chết đuối nhưng phổi không có nước.

- Sở dĩ có tình trạng chết đuối mà trong phổi không có nước là do người không biết bơi bất ngờ bị chìm trong nước, nạn nhân hoảng sợ khiến các phản xạ bị rối loạn làm cơ thể bị chìm, phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản lại làm nạn nhân không thở được dẫn đến thiếu oxy não và bất tỉnh. Từ chỗ nắp thanh quản bị đóng nên nước cũng không vào phổi được. Đó cũng được gọi là chết đuối khô.

Vì vậy khi gặp trường hợp đuối nước cần xử trí khẩn trương, kiên trì ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp.

2. Xử lí khi gặp tai nạn đuối nước: 

 Mỗi chúng ta cần làm gì khi gặp tai nạn đuối nước.

- Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng... và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn. Có thể ném một sợi dây dài, chắc... từ bờ để nạn nhân túm lấy được dây thừng và kéo nạn nhân vào bờ, hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên…

                     

- Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí.

- Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực:

+ Nếu lồng ngực không chuyển động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy thổi ngạt miệng qua miệng. Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không; nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim, phải ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.

                      

+ Nếu nạn nhân còn thở được, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra.

- Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn khô.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước…

 3. Cách phòng tránh tai nạn đuối nước

+ Không xuống nước nếu không biết bơi hoặc khi cơ thể mệt mỏi

+ Ra khỏi vùng nước khi cơ thể bắt đầu cảm thấy mệt mỏi.

+ Không được tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy khi không có người lớn biết bơi và cứu đuối.

+ Không bơi khi trời đã tối; có sấm chớp, mưa; lúc giữa trưa nắng hoặc người đang quá nóng bức.

+ Không bơi, lội một mình. Trang phục gọn gàng khi bơi.

+ Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.

+ Phải khởi động trước khi xuống nước.

+ Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.

+ Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn

             

+ Không đi bơi ngay sau khi ăn no (dễ bị nôn, dễ ngạt nước, máu lên não không đủ gây choáng váng, tạm mất ý thức, dễ gây chuột rút).

+ Thông báo cho gia đình biết khi cùng bạn đi bơi; không rủ nhau đi tắm, vui chơi vào lúc được nghỉ học ở trường

+ Cần thực hiện nghiêm túc về an toàn giao thông đường thủy như: An toàn về phương tiện, có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, chở đúng số người quy định.

Chú ý: Khi bơi, nếu cảm thấy cơ thể lạnh, mệt mỏi, đuối sức các em có thể sử dụng phương pháp nổi ngửa để nghỉ ngơi, hồi sức và từ từ ra khỏi vùng nước để đảm bảo an toàn

Các em cần nhớ số điện thoại và gọi cấp cứu (khi cần thiết) đến số 115 (cấp cứu y tế) hoặc 111 (Tổng đài Quốc gia bảo vệ Trẻ em).

          Cùng với việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, tránh đuối nước chủ động thì học bơi an toàn sẽ góp phần phòng tránh đuối nước hiệu quả, giúp các em chủ động thoát khỏi yếu tố nguy hiểm bất ngờ xảy đến trong môi trường nước, giúp bảo vệ an toàn bản thân, góp phần phòng tránh đuối nước cho cộng đồng, xã hội. Vì khi các em biết bơi các em sẽ chủ động phòng tránh đuối nước. Các em biết bơi được coi như có thêm phao cứu sinh và đôi mái chèo để thoát hiểm khi bị nước đe dọa, tự cứu mình và có thể hỗ trợ cứu người khác khi gặp sự cố dưới nước. Chủ động, đảm bảo an toàn cho bản thân khi tắm, vui chơi, hoạt động dưới nước. Biết cách xử lý khi gặp các tình huống khách quan như: đột ngột bị rơi xuống nước (ngã, đắm đò,…), đang bơi bị chuột rút, gặp dòng nước xoáy, bị nước cuốn trôi; khi gặp sự cố ở dưới nước,… Tăng khả năng cứu hộ khi gặp người bị đuối nước (tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể, lứa tuổi, khả năng của mỗi người). Thêm kỹ năng phòng tránh đuối nước để có thể thuận lợi trong tích lũy kỹ năng khác trong cuộc sống.

 

Trên đây là những điều chúng ta nên biết về cách phòng tránh tai nạn đuối nước,  mong các bậc phụ huynh và các em học sinh hãy quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra cho bản thân và những người thân trong gia đình. Đặc biệt các bậc phụ huynh tăng cường nhắc nhở con em luyện tập kỹ năng bơi lội ở những cơ sở dạy bơi có sự hướng dẫn của thầy cô huấn luyện viên dạy bơi, giúp các em có kỹ năng phòng, chống đuối nước. Chúc các em có một kì nghỉ hè thực sự vui vẻ, an toàn và bổ ích.

         Tác giả

          Cô Vũ Thị Minh Thanh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Hoạt động
Tin tức
Tin đọc nhiều