A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BÍ QUYẾT ĐẠT ĐIỂM CAO MÔN LỊCH SỬ

BÍ QUYẾT ĐẠT ĐIỂM CAO MÔN LỊCH SỬ

Trong bài diễn ca "Lịch sử nước ta", (bài diễn ca Lịch sử nước ta được Hồ Chí Minh sáng tác năm 1941 tại Pác Bó, Cao Bằng), Bác Hồ kính yêu từng kêu gọi: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Dân tộc Việt Nam, trải qua hơn 4000 năm dựng nước và giữa nước đã khắc tạc nên những trang sử vàng chói lọi, hun đúc nên những bản hùng ca bất tử, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chính vì vậy, việc tìm hiểu về lịch sử đóng góp một vai trò rất quan trọng trong việc bồi dưỡng ý thức hệ của mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam về tinh thần trách nhiệm, lòng biết ơn với Tổ quốc, quê hương. Tuy nhiên, đối với học sinh nói chung và học sinh bậc THPT nói riêng, việc học tập môn Lịch Sử vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Vậy làm như thế nào để học tập tốt môn lịch sử và việc ôn thi môn lịch sử trở nên dễ dàng hơn?

Để phần nào giúp học sinh tháo gỡ những khó khăn trong học tập môn lịch sử, bài viết xin chia sẻ bí quyết học tập để đạt điểm cao môn học này của học sinh Nguyễn Quang Anh trường THPT Phù Cừ (học sinh lớp 12A2, năm học 2021 – 2022). Quang Anh là một trong 02 học sinh xuất sắc của nhà trường giành điểm 10 tròn trĩnh của môn học này trong kì thi THPT năm 2022. Cậu học trò có thiên hướng nổi trội ở những môn xã hội, đam mê tìm hiểu và đặc biệt si mê môn lịch sử!

Thứ nhất:  Phương pháp logic

Lịch sử là môn học gắn liền với mốc thời gian, sự kiện, diễn biến, nhân vật. Việc học lịch sử nếu chỉ dừng lại với việc "đọc" - "chép" - "học thuộc" không những đem lại hiệu quả không cao mà còn mang đến tâm lí chán nán cho học sinh. Chính vì vậy, để có thế nắm vững kiến thức môn lịch sử chúng ta cần hiểu phạm trù logic trong lịch sử và biết cách logic hóa kiến thức. Bởi Lịch sử là một phạm trù logic bởi bản thân nó chứa đựng sự liên kết chặt chẽ giữa các sự kiện - hành động - hệ quả, nói cách là phải có cái A mới hình thành nên cái B.

Ví dụ như: Do nhu cầu về thị trường và thuộc địa (Nguyên Nhân) => các nước tư bản phương Tây đẩy mạnh xâm lược thuộc địa (Hành động) => Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp cho đến tận 1884 (Hệ quả).

Logic hóa kiến thức lịch sử qua việc phân chia các “vấn đề lớn” thành các “vấn đề nhỏ”. Trong một “vấn để nhỏ” ta tiếp tục chia ra nhiều nhánh phụ, chú ý sự khác biệt về tính chất giữa các sự kiện

Ví dụ: giai đoạn lịch sử Việt Nam từ 1919-2000, ta có thể chia theo các mốc nhỏ như: 1919-1930, 1930-1945, 1946-1954, 1954-1975, 1975 -2000. trong "mốc nhỏ 1919-1930", ta tiếp tục chia thành 1919-1925, 1925-1930.Trong 1919-1925 cần chú ý đến những sự kiện tiêu biểu như:  những chuyển biến về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở nước ta sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nội dung của cuộc khai thác thuộc địa của Pháp, sự chuyển biến giai cấp xã hội…

Thứ hai: Đổi mới cách ghi chép

"Đọc- chép" là một phương pháp dạy học để truyền tải kiến thức cho học sinh những năm gần đây đã có sự đổi mới tuy nhiên do áp lực về khối lượng kiến thức nên phương pháp này vẫn được sử dụng phổ biến ở nhiều trường hiện nay.  Song phương pháp này vô hình chung tạo nên sự máy móc, rập khuôn, thụ động, phó mặc, không tạo được hứng thú cập nhật, sáng tạo cho học sinh. Với môn lịch sử, ta cần biết dung hòa giữa việc "nghe giảng" - "ghi bài" - "tiếp thu" kiến thức từ thầy cô với việc chủ động "đọc" -"tìm hiểu" - "nghiên cứu" trước kiến thức bài giảng mình sẽ học. Một tiết học lịch sử kéo dài trong khoảng 45 phút nhưng nội dung kiến thức của nó rất lớn. Thay vì ghi bài một cách "chăm chỉ" hãy trở thành người ghi bài một cách thông minh: ghi đúng, ghi đủ, ghi có chọn lọc, có thể gạch chân những từ, cụm từ, mốc thời gian sự kiện…

Thứ ba: Tập đưa ra những câu hỏi

Lịch sử là một bộ môn khoa học nghiên cứu về những sự kiện xảy ra trong quá khứ, đặc biệt là liên quan đến con người. Môn lịch sử sẽ có những thuật ngữ mang tính hàn lâm, những sự kiện có tính chất đặc biệt. Chính vì vậy những vướng mắc, băn khoăn khi tiếp cận, học tập môn lịch sử sẽ không thể tránh khỏi. Các bạn cần nhớ rằng “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, để có thể nắm vững môn lịch sự hãy luyện tập cho mình thói quen đặt câu hỏi. Vậy chúng ta hỏi ai? Hỏi về cái gì?

Tự hỏi chính mình.

Khi ôn tập lịch sử, thay vì chuyên tâm chép và học thuộc hãy tự mình đặt ra những câu hỏi: Vì sao lại có sự kiện này? Sự kiện này kéo dài trong bao lâu? Hành động A dẫn đến hệ quả nào? Giai đoạn A có điểm gì giống và khác so với giai đoạn B? Khi tự mình đặt câu hỏi và tự bản thân tìm ra câu trả lời, kiến thức lịch sự của bạn sẽ được ghi nhớ rất lâu.

Hãy đặt câu hỏi với thầy cô.

Tôi rất tâm đắc câu nói này: “Người thầy trong học vấn giống như một ngọn lửa. Nếu tới quá gần sẽ bị thiêu cháy. Nếu bạn quá xa sẽ không thấy đủ ấm”. Trong quá trình tiếp thu kiến thức, việc tự học vẫn là hạt nhân cốt lõi dẫn đến sự thành công. Song hoạt động tự học cộng hưởng với sự hướng dẫn của thầy cô sẽ giúp bạn tiết kiệm hơn thời gian và công sức hơn.

Thứ tư:  Học nhiều nguồn, học mọi nơi, học mọi lúc

Để học hiệu quả môn lịch sử, ngoài việc khai thác kênh chữ, những lược đồ, hình ảnh, con số, dữ liệu trong sách giáo khoa, hãy lồng ghép môn lịch sử gắn với đời sống hằng ngày. Chủ động tiếp thu, lĩnh hội, ghi nhớ, tìm tòi lịch sử từ báo đài, phim ảnh, bản tin thời sự…Một số đầu báo, các bạn học sinh có thể tham khảo như: Báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Xây Dựng Đảng, Búa Liềm Vàn…Một số bộ phim tài liệu lịch sự chọn lọc như: Mùi cỏ cháy, Hồi ức Điện Biên, Sống cùng lịch sử, Ngày cuối của chiến tranh, Những đứa con của làng

Ngạn ngữ Hi Lạp có câu nói đầy ý nghĩa “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả rất ngọt ngào’’. Học tập nói chung hay học Lịch sử nói riêng là một hành trình lâu dài bền bỉ. Điều cốt yếu vẫn nằm ở sự kiên trì, tích cực phấn đấu và niềm đam mê của mỗi học sinh. Học lịch sử không phải chỉ đơn thuần là để lấy điểm cao trong các kì thi mà học lịch sử để hiểu về nguồn cội, để tự hào về nòi giống Tiên Rồng, để trân quý những giá trị vật chất và tinh thần tốt đẹp mà chúng ta đang được hưởng từ những thế hệ cha anh. Hi vọng rằng, với những chia sẻ của học sinh Nguyễn Quang Anh (lớp 12A2) phần nào sẽ giúp các em học sinh, đặc biệt lứa học sinh 2k5 tìm ra cho mình một “lối đi” mới trong việc tiếp cận môn học này./.

                                      Tác giả        Phạm Thị Thủy – Phó Bí thư Đoàn trường

                                                         Nguyễn Quang Anh – học sinh lớp 12A2


Tác giả: Trường THPT Phù Cừ
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Hoạt động
Tin tức
Tin đọc nhiều