MỘT SỐ LƯU Ý KHI LÀM BÀI ĐỌC HIỂU THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Tác giả: Lê Hồng Phong
Thơ Đường luật là một thể loại thơ phổ biến trong văn học các nước khu vực văn hoá Đông Á thời trung đại. Thơ Đường luật đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình THPT với số lượng khá lớn. Do đó, đọc hiểu thơ Đường luật là một trong những nội dung quan trọng trong khâu kiểm tra, đánh giá. Vậy để làm tốt bài đọc hiểu thơ Đường luật, mỗi học sinh cần lưu ý điều gì?
Để làm tốt phần đọc hiểu thơ Đường luật, học sinh cần căn cứ vào các đặc trưng cơ bản của thơ Đường luật để trả lời những câu hỏi tương ứng. Dưới đây là một số dạng câu hỏi thường gặp và cách làm bài.
1. Xác định thể thơ được sử dụng trong bài thơ.
Với dạng câu hỏi này, học sinh cần căn cứ vào số tiếng trong mỗi câu thơ và số câu thơ trong bài để xác định. Trường hợp bài thơ đó được viết bằng chữ Hán, các em cần căn cứ vào số câu và số tiếng trong phần phiên âm để xác định một cách chính xác. Có hai thể thơ Đường luật thường gặp nhất là ngũ ngôn (5 tiếng) và thất ngôn (7 tiếng). Trong thơ thất ngôn lại có hai dạng phổ biến là thất ngôn tứ tuyệt Đường luật (mỗi câu thơ có 7 tiếng, một bài thơ có 4 câu) và thất ngôn bát cú Đường luật (mỗi câu thơ có 7 tiếng, một bài thơ có 8 câu).
Ví dụ 1: Bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão được làm theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật:
Phiên âm:
Hoành sóc giang sơn cáp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.
Dịch thơ:
Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
Ví dụ 2: Bài thơ Câu cá mùa thu của nhà thơ Nguyễn Khuyến được làm theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng, trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo.
Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
2. Xác định chủ thể trữ tình trong bài thơ
Chủ thể trữ tình là chủ thể phát ngôn, thường là tác giả hoặc là người đại diện cho quan niệm thẩm mĩ và tư tưởng thời đại về một vấn đề nào đó trong cuộc sống; đây là con người cảm xúc, suy tư trong tác phẩm nhưng không nên đồng nhất đơn giản giữa chủ thể trữ tình và tác giả. Trong thơ trữ tình, chủ thể trữ tình có thể xuất hiện theo hai dạng:
Thứ nhất là xuất hiện qua các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít hoặc số nhiều như: “tôi”, “anh", “em”, “chúng ta", “chúng tôi". Thứ hai là chủ thể trữ tình phát ngôn dưới hình thức chủ ngữ ẩn, không có ngôi. Với thơ Đường luật thời trung đại, chủ thể trữ tình thường xuất hiện ở dạng thứ hai, nhân danh cái chung, đại diện cho một bộ phận xã hội, ít mang tính cá thể.
Để xác định chính xác chủ thể trữ tình, các em cần căn cứ vào những đặc điểm về lứa tuổi, giới tính, tầng lớp trong xã hội,cuộc sống, quan niệm… Một số chủ thể trữ tình thường gặp trong thơ Đường luật như: nhà nho ẩn dật, nhà nho yêu nước, người phụ nữ với thân phận hẩm hiu trong xã hội cũ… Trong một số trường hợp cụ thể, chủ thể trữ tình có thể được xác định là chính cái tôi tác giả như trong bài thơ Tự tình (bài 2) của Hồ Xuân Hương.
3. Xác định phương thức biểu đạt, phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ
Với câu hỏi xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản, học sinh cần liệt kê tất cả những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản. Với câu hỏi xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản, học sinh chỉ nêu một phương thức biểu đạt được sử dụng rõ nét nhất trong văn bản.
Thơ Đường luật thường sử dụng một số phương thức biểu đạt như: tự sự, miêu tả, biểu cảm. Nếu một bài thơ Đường luật có sử dụng kết hợp phương thức biểu đạt biểu cảm với một hoặc một vài phương thức biểu đạt khác thì phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ thường là biểu cảm.
4. Xác định cách gieo vần trong bài thơ
Thông thường một bài thơ Đường luật chỉ gieo một vần và là vần bằng ở cuối các câu 1,2,4 (với thơ tứ tuyệt); câu 1,2,4,6,8 (với thơ bát cú).
Ví dụ: Bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến được gieo vần eo ở cuối các câu thơ 1,2,4,6,8.
5. Xác định đề tài của bài thơ
Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn, nhà thơ nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản.
Với câu hỏi: xác định đề tài của bài thơ, học sinh cần đọc kĩ nội dung để tìm ra đề tài bài thơ. Lưu ý, khi nêu đề tài, các em cần khái quát thật ngắn gọn. Một số đề tài thường gặp trong thơ Đường luật thời trung đại như: thiên nhiên, tình bạn, người phụ nữ, chí làm trai,…
Ví dụ: Bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương viết về đề tài người phụ nữ trong xã hội cũ, bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến viết về đề tài tình bạn.
6. Nêu nội dung chính của đoạn thơ, bài thơ
Trên thực tế, mỗi bài thơ có một nội dung riêng đòi hỏi người đọc phải tìm hiểu lần lượt từ ngữ, hình ảnh, các điển tích, điển cố (nếu có), các lớp nghĩa của văn bản,…
Khi làm bài đọc hiểu thơ Đường luật, muốn xác định nội dung chính của đoạn thơ, bài thơ, ở một số trường hợp, học sinh có thể kế thừa nội dung của một số câu hỏi phần đọc hiểu làm gợi ý để trả lời. Nội dung câu trả lời nên được khái quát ngắn gọn.
7. Xác định và nêu ý nghĩa của hình ảnh được sử dụng trong đoạn thơ, bài thơ
Hình ảnh là những thứ xung quanh mà bằng mắt thường ta có thể quan sát và nhìn thấy được. Việc xác định hình ảnh trong thơ nói chung, trong thơ Đường luật nói riêng cũng vậy.
Ví dụ: Các hình ảnh xuất hiện trong đoạn thơ:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
gồm có: ao thu, thuyền câu, sóng biếc, lá vàng.
Thơ Đường vốn hàm súc, ý tại ngôn ngoại và hình ảnh trong thơ Đường luật thường có tính ước lệ, tượng trưng cao, chứa đựng tâm sự, cảm xúc của tác giả về thiên nhiên, thời cuộc và con người. Do đó, khi đọc hiểu thơ Đường luật, người đọc cần lưu ý đến ý nghĩa của những hình ảnh này.
Ví dụ: Trong hai câu thơ: Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ/Cô chu nhất hệ cố viên tâm. (Dịch thơ: Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ/ Con thuyền buộc chặt mối tình nhà) thuộc bài thơ Cảm xúc mùa thu của Đỗ Phủ, hình ảnh cô chu (con thuyền cô đơn, lẻ loi) là hình ảnh mang sức gợi rất lớn. Nó chính là hình ảnh ẩn dụ chỉ người con xa xứ đang lênh đênh, phiêu bạt nơi đất khách quê người với nỗi nhớ khôn nguôi về quê hương, xứ sở.
8. Chỉ ra và nêu hiệu quả của nghệ thuật đối được sử dụng trong câu thơ, bài thơ
Thơ Đường rất chú trọng đối và nghệ thuật đối khá đa dạng. Với bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, nghệ thuật đối sẽ được thể hiện ở hai câu thực (câu thơ 3,4) và hai câu luận (câu thơ 5,6). Các chữ đối nhau phải cùng từ loại( cùng danh từ, động từ,…). Có khi đối giữa hai vế trong một câu; phổ biến là đối về từ, ngữ, các vế của câu trên với câu dưới; có khi đối giữa hai câu thực và hai câu luận. Nếu đối ý thì có hai dạng: đối tương đồng và đối tương phản.
Để xác định nghệ thuật đối được sử dụng trong bài thơ Đường luật, học sinh cần chỉ ra được nghệ thuật đối được thể hiện ở câu thơ nào, từ ngữ nào, đối tương đồng hay đối tương phản.
Ví dụ: Nghệ thuật đối được sử dụng trong hai câu thơ trong bài Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao là đối tương phản giữa câu trên với câu thơ dưới: ta – người, dại – khôn, vắng vẻ - lao xao.
Để nêu chính xác và đầy đủ hiệu quả của nghệ thuật đối, học sinh cần quan tâm tới cả tác dụng về mặt nghệ thuật và tác dụng về mặt nội dung. Về nghệ thuật, thông thường, nghệ thuật đối có tác dụng tạo sự hài hòa, cân xứng cho câu thơ. Về nội dung, mỗi câu thơ, bài thơ mang một nội dung riêng đòi hỏi học sinh phải khái quát được nội dung chính của câu thơ, bài thơ đó. Chẳng hạn tác dụng của nghệ thuật đối ở hai câu thơ trên trong bài Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là: tạo sự hài hòa, cân xứng cho câu thơ, thể hiện quan niệm sống của chủ thể trữ tình: tìm về với thiên nhiên, lánh xa nơi bon chen, quyền quý để giữ cho mình cốt cách thanh cao.
9. Bài thơ gửi tới người đọc bức thông điệp nào?
Trên thực tế, ta có thể hiểu thông điệp là điều mà nhà thơ thông qua hiện thực được nói tới trong bài thơ để truyền tải tới người đọc những mong muốn của bản thân về một lối sống, lối ứng xử, hướng hành động… cụ thể và tích cực.
Muốn tìm được thông điệp mà nhà thơ gửi gắm trong bài thơ đòi hỏi học sinh cần tìm hiểu nội dung bài thơ. Khi nêu thông điệp, học sinh cần nêu thật ngắn gọn. Thông điệp nghiêng về hướng hành động nên khi trả lời, các em nên sử dụng kết cấu: Hãy…
Ví dụ: Thông điệp bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương là: hãy yêu thương, đồng cảm và trân trọng người phụ nữ.