A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRƯỜNG THPT PHÙ CỪ TỔ CHỨC DẠY THỰC NGHIỆM GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG

 

                                   Tác giả: Ngô Thị Yên

Ngay sau khi nhận được công văn, kế hoạch chỉ đạo của cấp trên về việc biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hưng Yên lớp 3, 7, 10; Trường THPT Phù Cừ đã gấp rút triển khai và tổ chức việc dạy thực nghiệm. Theo sự chỉ đạo của Sở, trường THPT Phù Cừ phân công nhóm Văn (tổ Văn - Thể) và nhóm Giáo dục công dân (tổ Sử - Địa - GDCD - Quốc Phòng) tham gia giảng dạy thực nghiệm. Trước khi tổ chức tiết dạy, Tổ trưởng của hai nhóm (đ/c Ngô Thị Yên, Phạm Thị Mai Xuân) đã tiến hành họp tổ, phân công giáo viên dạy, ấn định giờ dạy, tổ chức chỉ đạo các thành viên trong tổ trao đổi thảo luận khi xây dựng kế hoạch bài dạy và sắp xếp giáo viên tham gia dự giờ để đóng góp ý kiến. Sau khi dạy xong thực nghiệm, hai tổ nhóm hoàn thiện hồ sở gửi về Sở Giáo dục và đạo tạo theo đúng thời gian quy định.

Hai tiết dạy thực nghiệm đều được diễn ra vào sáng thứ 6 (ngày 08/4/2022). Giáo viên tham gia giảng dạy của nhóm Văn là cô giáo Nguyễn Thị Lý, giảng dạy lớp 10D1. Cô giáo Nguyễn Thúy Hà (nhóm GDCD) dạy tiết 2 tại lớp 10A2. Thầy Dương Văn Long, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường và cô Nguyễn Thùy Trang, phó Hiệu trưởng nhà trường một số thầy cô giáo của tổ Văn - Thể, tổ Sử - Địa - GDCD - Quốc Phòng dự giờ.

Cô giáo Nguyễn Thị Lý dạy tiết 1 của chủ đề 5: Di sản văn học ở Hưng Yên. Trong giờ dạy, giáo viên đã tổ chức các hoạt động nhằm phát huy được năng lực của học sinh. Tiết học diễn ra rất sôi nổi, học sinh tham gia tích cực, nhiệt tình. Ngay từ phần khởi động, cả người dự và học trò đều ấn tượng với hình thức thể hiện phong phú, tài năng của các em khi giới thiệu về mảnh đất và con người Hưng Yên. Văn miếu Xích Đằng – di tích lịch sử của mảnh đất quê hương, qua trái tim, năng khiếu vẽ và khối óc của các em hiện lên rất sinh động. Những bài thơ, bài hát của người con quê hương qua sự thể hiện của các em thật da diết, sâu lắng. Trong tiết dạy, giáo viên cùng học sinh lội ngược dòng lịch sử khi tìm hiểu văn hóa văn học Hưng Yên qua các thời kì lịch sử: thời quân chủ, thời Trần, thời Lê Sơ… Học sinh chia sẻ: qua giờ học này, em có thêm nhiều hiểu biết về mảnh đất, về con người quê hương mình. Và qua đây, em thêm yêu, thêm gắn bó và rất đỗi tự hào về mảnh đất quê mình. Trước kia em không nghĩ rằng quê mình lại có nhiều người tài giỏi đến thế! 

Cô giáo Nguyễn Thúy dạy tiết 4 của chủ đề 6: Một số vấn đề chính sách xã hội ở Hưng Yên. Tiết học này, cô giáo vận dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, phù hợp với đặc trưng bộ môn đã phát huy được tính chủ động, tích cực để các em hiểu được bản chất của vấn đề chính sách xã hội đối với người có công. Mục đích của chính sách xã hội đối với người có công nhằm tôn vinh, ghi nhận sự cống hiến, hy sinh, góp phần chăm sóc, ổn định đời sống vật chất, tinh thần của người có công và gia đình người có công với cách mạng, tạo sự ổn định chính trị, phát triển xã hội. Đồng thời đây là việc làm thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ người trồng cây. Từ đó nêu cao được trách nhiệm của các em trong việc góp phần thực hiện chính sách xã hội đối với người có công với cách mạng ở Hưng Yên. Qua tiết học, giáo viên nhắc các em cách sống, cách ứng xử với người có công với cách mạng nói riêng và với mọi người nói chung.

Ngay sau tiết dạy, 2 nhóm về phòng họp chuyên môn của tổ để nhận xét, góp ý cho tiết dạy của hai cô giáo. Với hiểu biết và tinh thần trách nhiệm của bản thân khi tiếp cận chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể nói chung và 35 tiết dạy Giáo dục địa phương nói riêng, các thầy cô đã thẳng thắn trao đổi về những điều đã đạt được và cả những điều chưa đạt được ở hai giờ học. Từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp. Sau buổi nhận xét, góp ý, cả người dạy và người dự giờ đều rút ra được những kinh nghiệm quý giá và có được những điều chỉnh đúng đắn cho hướng giảng dạy của bản thân trong những năm tới.

Thiết nghĩ, dạy học thực nghiệm Chương trình Giáo dục địa phương là việc làm cần thiết. Đây là lúc mỗi giáo viên của trường THPT Phù Cừ nói riêng và giáo viên trong toàn tỉnh Hưng Yên nói chung phải nỗ lực, nghiêm túc nghiên cứu để năm học 2022 – 2023 chúng ta sẽ làm tốt nhất có thể, từ đó đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo nước nhà.

Một số hình ảnh giờ dạy thực nghiệm của cô giáo Nguyễn Thị Lý (lớp 10D1)

Một số hình ảnh trong giờ dạy thực nghiệm của cô giáo Nguyễn Thúy Hà (lớp 10A2)

 

 

 

 

 

 

         

 


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Hoạt động
Tin tức
Tin đọc nhiều