CHI ĐOÀN 11A6 VỚI CHỦ ĐỀ "NGƯỜI PHỤ NỮ TÔI YÊU"
CHI ĐOÀN 11A6 VỚI CHỦ ĐỀ "NGƯỜI PHỤ NỮ TÔI YÊU"
CHI ĐOÀN 11A6 VỚI CHỦ ĐỀ: “NGƯỜI PHỤ NỮ TÔI YÊU!”
Vậy là tháng 2 đã kết thúc, chào đón một tháng 3 ngọt ngào của tiết trời se lạnh và những cơn mưa xuân dịu nhẹ. Tháng 3 mang đến nhiều cung bậc cảm xúc. Có thể là một số sầu muộn, một số tiếc nuối, xen lẫn một chút bất ngờ và hạnh phúc. Hơn hết tháng 3 cũng có một ngày ý nghĩa - ngày để tưởng nhớ những người phụ nữ và ghi nhớ gương mặt dịu dàng, ân cần của người con gái. Đây là dịp để thế giới tôn vinh cái đẹp và khẳng định rõ ràng vai trò của người phụ nữ trong công việc và cuộc sống. Ở Việt Nam, ngày 8/3 còn là dịp để nhắc lại những truyền thống lịch sử vẻ vang, đồng thời thể hiện tinh thần và sức mạnh của phụ nữ trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, vì hòa bình và xây dựng xã hội.
Hoà chung vào không khí đó, tiết sinh hoạt ngày thứ 7 (05/03/2022), chi đoàn 11A6 đã tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề “Người Phụ nữ tôi yêu”, hi vọng một nửa còn lại của thế giới có một ngày thật ý nghĩa.
Không thể phủ nhận rằng, dù con người phát triển, hiện đại đến mức nào thì hiểm hoạ dịch bệnh vẫn là điều đáng lo ngại nhất. Gần đây, đại dịch Covid-19 lại hoành hành, trở thành tâm điểm của dư luận khiến cho học sinh, sinh viên không thể đến trường. Trong bối cảnh này, việc thực hiện dạy học trực tuyến và trực tiếp sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà phủ nhận tinh thần học hỏi của cả cô và trò lớp 11A6. Để buổi sinh hoạt ngoại khóa được thành công, chúng em cũng học các thầy cô xây dựng chương trình để làm sao các bạn của lớp học qua phần mềm Teams cũng được tham gia. Đồng hành và chỉ đạo trực tiếp cùng cả lớp trong suốt buổi có cô giáo Ngô Thị Yên – giáo viên chủ nhiệm của lớp.
Mở đầu chương trình, để xoá tan những cơn mệt mỏi sau 4 tiết học vừa rồi là màn biểu diễn văn nghệ của bạn Hoàng Thị Huyền Trang với ca khúc: “Ước mơ của mẹ”. Bài hát mang thông điệp ý nghĩa hãy biết yêu thương, trân trọng người phụ nữ đặc biệt nhất - người mẹ.
Tiếp theo đó, chúng em được hiểu thêm về lịch sử, ý nghĩa của ngày mùng 8/3. Xưa nay, trong xã hội phong kiến lạc hậu, là người phụ nữ, vì tư tưởng trọng nam khinh nữ nên phải chịu nhiều thiệt thòi. Ở Hy Lạp cổ đại, Lysistrata đã chiến đấu chống lại loài người để chấm dứt chiến tranh. Vào thế kỷ 14, nhà thần bí người Ý Catherine de Sienne đã viết 381 bức thư cho những nhân vật quyền lực nhất trong nhà thờ, yêu cầu nhân quyền của phụ nữ. Tuy nhiên, phải đến cuối thế kỷ 19, cuộc đấu tranh của phụ nữ mới thực sự diễn ra.
Ở nước ta ngày 8/3 còn là dịp kỷ niệm về cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng- hai vị anh hùng dân tộc đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Và trong chiến tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước, chị em không quản ngại khó khăn, nguy hiểm xung phong ra tiền tuyến chiến đấu hết mình, có thể kể đến: chiến sĩ Nguyễn Thị Minh Khai, nữ anh hùng Võ Thị Sáu, nữ tướng Nguyễn Thị Định,… Trong văn học, lại có người phụ nữ dùng ngòi bút tài năng của mình để lên tiếng đòi quyền bình đẳng cho giới mình và tên tuổi của bà đã lưu danh cho đến tận ngày nay: “bà chúa thơ Nôm” - Hồ Xuân Hương, Đoàn Thi Điểm,…và rất nhiều những nữ sĩ tài năng khác.
Ngày nay, phụ nữ Việt Nam đã trở nên mạnh mẽ không kém gì nam giới. Phụ nữ trong xã hội hiện đại độc lập về mọi mặt, biết làm mới bản thân, sống tự lập, tự tin vào bản thân. Người phụ nữ mạnh mẽ đáng được khâm phục, ca ngợi và học hỏi. Người phụ nữ mạnh mẽ giống như “liều thuốc” truyền sức sống cho người phụ nữ chưa tìm được điểm tựa, còn đang lạc lõng giữa cuộc đời.