LỚP 11A3 TRƯỜNG THPT PHÙ CỪ VỚI TIẾT HỌC VĂN ĐÁNG NHỚ
Khi người trẻ chọn cái chết để giải thoát nỗi buồn là điều đáng lên án? Và có phải khi xã hội ngày càng phát triển, giới trẻ lại càng thiếu sức “đề kháng” với nỗi buồn? TỰ TỬ là một cụm từ thật khủng khiếp, đáng sợ khi mà chúng em nghĩ rằng sẽ rất ít nghe thấy, ở tận đâu đó rất xa xôi. Thế mà thời gian gần đây hiện tượng này xuất hiện tràn lan trên mặt các báo mỗi khi search Google. Đó là cặp đôi nam nữ tự tử khi nhảy từ tầng 35 của chung cư xuống chỉ vì gia đình ngăn cản tình cảm; nam sinh cấp 3 tự tử khi bị áp lực từ điểm số; học sinh lớp 8 (Bắc Ninh) để lại bức thư tuyệt mệnh và tìm đến cái chết; nam sinh lớp 10 của một trường chuyên Hà Nội tự tử trước sự chứng kiến của người cha…Theo nghiên cứu và thông báo mới nhất của tổ chức y tế thế giới (WHO): tự tử xuất hiện nhiều nhất ở độ tuổi từ 15 tới 29, có xu hướng đang ngày càng gia tăng. Liên tiếp những vụ tự tử xảy ra khi độ tuổi còn rất trẻ. Đây là hiện tượng đáng bàn, là hồi chuông cảnh báo với gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Chính vì hiện tượng tiêu cực này đang có tác động rất lớn tới xã hội, đặc biệt là học sinh, nên cô Phạm Thị Thủy – giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ Văn lớp 11A3 đã tổ chức cuộc thi hùng biện với chủ đề “Trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng học sinh tự tử trong thời gian gần đây”. Cuộc thi hùng biện được đưa vào nội dung tiết dạy: Luyện tập thao tác lập luận bình luận diễn ra vào thứ 6 (08/4/2022).
Trước khi bắt đầu cuộc thi, cô chia lớp thành 6 nhóm, hai bàn tạo thành một nhóm. Cô phân công nhiệm vụ cho các nhóm. Nhóm 1,2 bàn về biểu hiện của hiện tượng học sinh tự tử. Nhóm 3,4 bình luận về nguyên nhân của hiện tượng. Nhóm 5 thảo luận, phân tích hậu quả của hiện tượng. Và nhóm 6 trao đổi, bàn bạc để tìm ra giải pháp khắc phục hiện tượng này. Cô hướng dẫn chúng tôi cách thức thực hiện nhiệm vụ: đầu tiên các cá nhân suy nghĩ độc lập về nhiệm vụ được giao trong thời gian 02 phút, sau đó tiến hành trao đổi nhóm, để đưa ra ý kiến chung. Mỗi nhóm cử một đại điện “khéo ăn nói” để thuyết trình. Chúng tôi cũng được tham gia vào đánh giá sản phẩm và cách thuyết trình của nhóm khác với thang điểm được chia rất rõ ràng: Nội dung điểm gồm hai phần: điểm dành cho người thuyết trình chiếm 30% số điểm (Phong thái tự tin, diễn đạt trôi chảy, tương tác tốt với lớp…). Điểm dành cho nội dung hùng biện, chiếm 70%. (sắp xếp ý logic, ý tưởng phong phú, sâu sắc…). Các nhóm sẽ chấm điểm cho nhau, giáo viên sẽ là trọng tài để phân xử thắng bại. Cô đưa ra phần thưởng đó là nhóm thực hiện nhiệm vụ tốt nhất, các thành viên sẽ được cộng 02 điểm vào điểm kiểm tra miệng, nhóm tốt thứ hai được cộng 1,0 điểm. Còn nhóm nào “tệ nhất” bị trừ 1,0 điểm. Không khí lớp trở lên sôi nổi, khẩn trương khi các nhóm làm việc tích cực, nhiệt tình và rất hào hứng. Không chỉ đơn thuần với mong muốn được trở thành nhóm “quán quân” mà còn là cơ hội để khẳng định “màu cờ sắc áo” của nhóm.
Cô là người bấm giờ, khi hết thời gian thảo luận. Đại diện của các nhóm lên thuyết trình. Bạn Bùi Thị Trâm là người đại diện của nhóm 1 xung phong lên đầu tiên. Bài thuyết trình của bạn đã nêu rất rõ một số biểu hiện của hiện tượng.
Sau đó, bạn Vũ Xuân Anh có những thông tin bổ sung hữu ích để hoàn thiện nội dung này vì hai nhóm có chung nhiệm vụ.
Tiếp đến là phần trình bày của bạn Lê Nguyễn Thái Dương đại diện cho nhóm 3 đã phân tích cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan của hiện tượng này.
Các nhóm còn lại rất nhanh chóng đều hoàn thiện nhiệm vụ của mình. Sau mỗi phần trình bày của các nhóm, cô cho học sinh được phép nêu ý kiến hoặc đặt câu hỏi đối với nhóm thuyết trình. Có những câu hỏi rất ấn tượng và “hóc búa” làm đau đầu những nhóm thuyết trình. Có những khi phần tranh luận của học sinh đến độ “căng thẳng”, cô là người hòa giải, là vị quan tòa công tâm đưa ra những lời nhận xét, đánh giá thuyết phục khiến những cái đầu cứ phải “gật gù”, ánh mắt “sáng lên” lấp lánh.
Phần mong đợi nhất là nhận xét đánh giá, xếp loại đối với các nhóm. Nhóm đoạt ngôi vị cao nhất là nhóm 5 với phần hùng biện của bạn Nguyễn Huyền Trang. Nhóm bạn bình luận những hậu quả của hiện tượng này rất logic với các khía cạnh đó là hậu quả nghiêm trọng với bản thân người tự tử, với gia đình và xã hội.
(Sản phẩm của nhóm 5 – nhóm giành vị trí thứ Nhất)
Giành vị trí cao thứ hai là nhóm 1 của bạn Bùi Thị Trâm. Các nhóm còn lại, tuy chưa nhận được phần thưởng nhưng nhìn chung các bạn chuẩn bị rất tốt, có ý thức tập thể, làm việc nhóm, tham gia tích cực vào bài học.
Tiếp theo, cô Phạm Thị Thủy đã chốt một số nội dung với giọng điệu sâu lắng. Qua lời của cô, chúng tôi cảm nhận được sự lo lắng, sự quan tâm, tấm lòng của cô dành cho học sinh. Cô khuyên học sinh Gen Z chúng tôi hãy biết xác định mục tiêu đúng đắn, xây dựng cho mình lí tưởng sống tốt đẹp, hãy nuôi ước mơ và kiên trì theo đuổi ước mơ đó. Cô cũng nói: không có con đường nào trải đầy hoa hồng, do đó trên những bước đường chúng tôi đi sẽ luôn có khó khăn, thách thức, nhưng quan trọng nhất chúng tôi phải có bản lĩnh, phải vững vàng và tìm cách vượt qua những chông gai đó, không bao giờ được suy nghĩ tiêu cực và hãy luôn nghĩ tới bố mẹ - những người luôn yêu thương chúng ta vô điều kiện, còn người khác có điều kiện mới thương chúng ta. Cô gửi gắm tới cả lớp chúng tôi thông điệp “hãy sống như những đóa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời”.
Cô và các bạn tham gia hùng biện
Tiết học đã kết thúc như thế, với chúng tôi có nhận thức sâu sắc hơn về hiện tượng này. Không chỉ tiết học này mà còn rất nhiều tiết học nữa, cô giáo Phạm Thị Thủy đã tổ chức nhiều hoạt động với các hình thức phong phú tạo điều kiện cho học sinh được trình bày suy nghĩ, được “cất lên tiếng nói của mình”. Qua đây, chúng em xin cảm ơn cô đã tạo ra một sân chơi bổ ích, thú vị để chúng em có điều luyện tập kĩ năng phản biện, kĩ năng thuyết trình, năng lực giao tiếp... Những kĩ năng rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại này./.
Người viết: Trần Quỳnh Hương