SỬ DỤNG THÍ NGHIỆM TRONG DẠY HỌC MÔN HOÁ HỌC Ở TRƯỜNG THPT PHÙ CỪ
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Việc dạy và học để hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù. Sự thay đổi về mục tiêu giáo dục đòi hỏi giáo viên ít nhiều phải thay đổi phương pháp dạy học cho phù hợp với cách tiếp cận dạy học mới.
Hoá học là môn khoa học thực nghiệm; tương tự như các môn khoa học tự nhiên khác như Vật lí, Sinh học thì hầu hết các kiến thức đều được đúc rút ra từ quan sát và tiến hành các thí nghiệm. Do vậy, giáo viên thường được khuyến khích sử dụng thí nghiệm nhằm giúp cho học sinh biết được con đường mà các nhà khoa học tìm kiếm đồng thời các em phát hiện kiến thức mới. Trong tuần 2, hoá học 11 có bài “Cân bằng trong dung dịch nước” thời lượng 4 tiết thì có đến 3 tiết có thí nghiệm. Ví dụ như:
Tiết 1: Đầu tiên các em tìm hiểu về hiện tượng điện li bằng cách làm thí nghiệm thử tính dẫn điện của nước, muối ăn, dung dịch muối ăn. Nếu bóng đèn sáng cho thấy dung dịch NaCl dẫn điện, chứng tỏ trong dung dịch có hạt mang điện. Tiếp đến các em tìm hiểu về chất điện li bằng các thí nghiệm thử tính dẫn điện với dung dịch HCl, NaOH, saccharose, ethanol rồi rút ra kết luận chất điện li là HCl, NaOH tan trong nước phân li ra các ion, còn chất không điện li như saccharose, ethanol không phân li ra các ion. Sau đó các em so sánh khả năng phân li trong nước của HCl và CH3COOH qua thí nghiệm thử tính dẫn điện với dung dịch HCl 0,1M và dung dịch CH3COOH 0,1M rồi rút ra kết luận cốc đựng dung dịch HCl 0,1M bóng đèn sáng hơn cốc đựng dung dịch CH3COOH 0,1M.
Một số hình ảnh minh hoạ trong giờ học của các em học sinh lớp 11A4, 11A5.
Học sinh thử tính dẫn điện của nước cất
Học sinh thử tính dẫn điện của dung dịch NaCl
Học sinh thử tính dẫn điện của CH3COOH
Học sinh thử tính dẫn điện của dung dịch HCl
Tiết 3: Các em tìm hiểu về pH và ý nghĩa của pH trong thực tiễn bằng thí nghiệm làm chất chỉ thị màu từ hoa đậu biếc/bắp cải tím/hoa dâm bụt/hoa hồng/hoa chiều tím/củ nghệ/…. Các em tiến hành thí nghiệm bằng cách cho vài giọt chất chỉ thị trên lần lượt vào các dung dịch có sẵn xung quanh cuộc sống các em như: nước lọc, nước đường, nước rửa bát, nước chanh, nước bột giặt, giấm ăn, nước C sủi, nước soda, nước muối, … Sau đó, các em quan sát sự đổi màu của dung dịch, rút ra kết luận môi trường acid hay base dựa vào giấy pH. Chỉ số pH có ý nghĩa to lớn trong thực tiễn, pH liên quan đến sức khoẻ của con người, sự phát triển của động vật, thực vật. Trong cơ thể của người, máu và các dịch của dạ dày, mặt, … đều có giá trị pH trong một khoảng nhất định. Chỉ số pH trong cơ thể có liên quan đến tình trạng sức khoẻ. Nếu chỉ số pH tăng hoặc giảm đột ngột, không nằm trong giới hạn cho phép thì có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh lí, người bệnh cần được khám để tìm ra nguyên nhân. Trong đời sống hàng ngày, các sản phẩm như dầu gội, xà phòng, kem dưỡng da, … cũng đều cần có giá trị pH trong một khoảng nhất định để an toàn sử dụng. Do vậy các em có thể sử dụng chất chỉ thị màu từ hoa đậu biếc/bắp cải tím/hoa dâm bụt/hoa hồng/hoa chiều tím/củ nghệ, … để biết được môi trường của dung dịch là acid hay base.
Một số hình ảnh minh họa trong giờ học của các em học sinh lớp 11A4, 11A5.
Học sinh làm chất chỉ thị màu từ hoa chiều tím
Học sinh làm chất chỉ thị màu từ bắp cải tím
Vậy việc sử dụng thí nghiệm trong dạy học cũng góp phần hình thành và phát triển ở học sinh các năng lực và phẩm chất mà chương trình Giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu. Chắc chắn rằng giáo viên sẽ gặp không ít khó khăn trong việc sử dụng thí nghiệm theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, nhưng nếu giáo viên kiên trì với phương pháp mới, sử dụng các biện pháp dạy học thích hợp, xây dựng các thí nghiệm dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh cùng với cơ sở vật chất của nhà trường khá đầy đủ thì thí nghiệm có thể trở thành công cụ đắc lực cho giáo viên trong công tác dạy học.
Người viết: Nguyễn Thị Lan Phương