A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT HUY NĂNG LỰC HỌC SINH THÔNG QUA LÀM CÁC BÀI TẬP THỰC TẾ MÔN KINH TẾ PHÁP LUẬT Ở TRƯỜNG THPT

 

 

1. Mục tiêu

      Dạy học là một nghệ thuật, không đơn thuần chỉ là việc cung cấp kiến thức,truyền thụ cho các em những gì mình biết mà nó còn là cả một quá trình nghiên cứu, sáng tạo để có được những con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất giúp học sinh tiếp cận và chiếm lĩnh kiến thức, rèn luyện và nâng cao khả năng vận dụng tri thức vào cuộc sống.

Vận dụng kiến thức môn Giáo dục kinh tế và pháp luật vào thực tế cuộc sống sẽ giúp cho người học trở lên nhẹ nhàng hơn, kích thích được tư duy, hứng thú của học sinh, giúp học sinh có thói quen biết vận dụng tri thức đã học, là cầu nối giữa lý thuyết sách vở với thực tế, giữa nhà trường và xã hội.

Quá trình “dạy học tập trung vào người học” phải trở thành tư tưởng chủ đạo, dạy học vì học sinh và được thực hiện bởi học sinh.

2. Biện pháp tiến hành

2. 1. Đối với giáo viên

     Nghiên cứu kĩ chương trình, nội dung từng bài, từng đối tượng học sinh để ra bài tập ứng dụng các kiến thức vào thực tế cuộc sống cho phù hợp, đạt kết quả cao.

2.2. Đối với học sinh

     Triển khai, hướng dẫn các em làm bài tập thực tế qua mỗi bài dạy để tạo động cơ, thái độ học tập của các em tốt hơn.

3. Phương pháp làm bài tập thực tế  

     Phương pháp làm bài tập thực tế thực hiện một nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, thực hành. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập. Đây là một phương pháp mà trong đó người học đóng vai trò chủ đạo.

4. Ví dụ vận dụng phương pháp làm bài tập thực tế

     Đối với phương pháp làm bài tập thực tế, giáo viên có thể sử dụng ra bài tập về nhà đối với bất kì bài dạy nào; hoặc giáo viên ra cho các em làm bài tập để chuẩn bị cho nội dung bài họa mới.

4.1. Ví dụ sau khi học xong bài 5 lớp 11: Thị trường lao động, và việc làm

      * Giáo viên ra bài tập: Em hãy viết một bài viết ngắn nói về lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai của em

       Với bài tập trên, giáo viên gợi ý các em làm theo đề cương sau:

Phần 1. Mở đầu: Học sinh trình bày được ý nghĩa của việc lựa chọn được nghề nghiệp với tương lai của mình, và giới thiệu được nghề mà mình yêu thích nhất.

Phần 2. Nội dung: Học sinh phải trình bày được

- Vài nét giới thiệu về bản thân, nghề nghiệp mình yêu thích.

- Những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.

- Xu thế của lao động hiện nay là gì? Thị trường lao động đang cần những lao động gì? Việc làm nào phù hợp?

- Định hướng nghề nghiệp tương lai sẽ làm việc ở đâu, cống hiến trong ngành, lĩnh vực đó như thế nào để từ đó đưa ra nhận xét về cơ hội việc làm của mình.

Phần 3. Kết luận

* Giáo viên cho học sinh làm bài tập cá nhân vào vở

* Giáo viên giao cho các tổ xem và nhận xét bài làm của nhau (chấm chéo)

* Tiết sau chọn 2-3 học sinh trình bày bài làm của mình trước lớp, cho những học sinh đã nhận xét nêu lên quan điểm cá nhân của mình đối với bài làm của bạn, và yêu cầu các học sinh khác nhận xét về bài làm và bài nhận xét để các em so sánh điểm tốt, điểm hạn chế trong bài của bạn và của mình.

* Giáo viên nhận xét, tuyên dương bài tập của những em làm tốt, xuất sắc. Đối với các bài làm hay, các bài nhận xét đúng giáo viên có thể cân nhắc cho điểm ở cột kiểm tra thường xuyên để động viên các em cố gắng học tập, hoàn thành các bài tập khi được giao; đồng thời còn khuyến khích khả năng tư duy sáng tạo của các em trong việc tìm hiểu thị trường lao động, việc làm để định hướng được nghề nghiệp của mình phù hợp với xu thế của xã hội.

4.2. Để dạy bài 6 lớp 11: Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh

      Phần mở đầu của bài yêu cầu học sinh chia sẻ câu chuyện về một doanh nhân thành công. Theo em yếu tố nào đã mang lại sự thành công của doanh nhân trong câu chuyện đó?

Với câu hỏi trên, giáo viên cho học sinh thảo luận cặp đôi, gợi ý các em làm theo đề cương như sau:

Phần 1. Mở đầu: Học sinh tìm hiểu và chia sẻ câu chuyện về một doanh nhân thành công mà em biết. Từ đó rút ra yếu tố quyết định đến sự thành công của doanh nhân trong câu chuyện đó.

Phần 2. Nội dung

- Học sinh tìm hiểu về một doanh nhân hay một tấm gương tiêu biểu trong kinh doanh thành công chia sẻ cho cả lớp cùng nghe.

- Theo em, doanh nhân hay một tấm gương tiêu biểu trong kinh doanh đã có những ý tưởng kinh doanh gì? Họ đã có những cơ hội kinh doanh nào? Họ nắm bắt cơ hội kinh doanh như thế nào?

- Việc kinh doanh của học có phải là đều thành công hay không, hay cũng đã trải qua những thất bại, trở ngại, khó khăn gì?

- Để đạt được sự thành công như hôm nay, một tấm gương tiêu biểu trong kinh doanh cần có những yếu tố nào? Theo em, yếu tố nào giữ vai trò quyết định?

Phần 3. Kết luận

- Giáo viên mời 2-3 học sinh trả lời. Các em học sinh khác nhận xét phần trả lời của bạn

- Giáo viên chốt ý kiến của học sinh và hướng học sinh đi vào nội dung bài dạy.

4.3. Ví dụ để dạy bài 17: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân

      Để dạy mục 2b: Hậu quả của hành vi vi phạm quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm

Giáo viên đặt câu hỏi cho học sinh thảo luận nhóm: Nếu có một bạn trong trường có hành vi xâm phạm đến quyền được pháp luật bảo hộ về danh dự, nhân phẩm của em (như là đăng hình nhạy cảm của em lên mạng xã hội, nói xấu em...) thì em sẽ làm gì để bảo vệ quyền này của mình? Và theo em, người có hành vi xâm phạm đến quyền được pháp luật bảo hộ về danh dự và nhân phẩm của em sẽ gánh chịu hậu quả như thế nào?

      Với câu hỏi trên, giáo viên cho học sinh thảo luận, gợi ý các em làm theo đề cương như sau:

Phần 1. Mở đầu: Học sinh đặt tình huống cụ thể mình bị xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội.

Phần 2. Nội dung:

- Học sinh đưa tình huống cụ thể mình bị xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội.

- Theo em khi bị xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội, em sẽ làm gì để bảo vệ quyền này của mình? Em tìm sự giúp đỡ từ ai? (bạn bè, gia đình, thầy cô)

- Hậu quả của hành vi vi phạm quyền được pháp luật bảo hộ về danh dự và nhân phẩm?

Phần 3. Kết luận

- Giáo viên mời đại diện 2 nhóm trả lời, các nhóm khác nhận xét về câu trả lời của bạn.

- Giáo viên chốt ý kiến học sinh.

- Giáo viên cần nhấn mạnh hành vi vi phạm quyền được pháp luật bảo hộ về danh dự và nhân phẩm người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Kết luận

     Có rất nhiều phương pháp dạy học đem lại hiệu quả cho môn học. Việc lựa chọn phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp với nội dung bài học, môn học là rất cần thiết.

     Khi đưa phương pháp này vào bài học thì hiệu quả của liên hệ, vận dụng thực tiễn đã được phát huy tích cực. Học sinh học tự giác, chủ động và từ đó các em thấy hứng thú và tăng cường liên hệ thực tiễn. Hầu hết các em cảm thấy hài lòng, hứng thú và thích học bộ môn vì nó đã giảm đi rất nhiều tính “khô khan” theo suy nghĩ của các em trước đây. Những công việc được giao, gặp gỡ những con người thật, những hiện tượng thực tế sinh động đã tạo cơ hội cho các em nắm và hiểu kiến thức dễ dàng hơn rất nhiều.

                                                                      

                                                             Người viết: Nguyễn Thúy Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Hoạt động
Tin tức
Tin đọc nhiều