LỚP 10A4 HÀO HỨNG VỚI TIẾT HỌC ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP MÔN LỊCH SỬ
Theo chương trình GDPT 2018, môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh. Học lịch sử để hiểu rõ cội nguồn của tổ tiên, quê hương, đất nước; biết và hiểu được quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông. Học lịch sử còn giúp chúng ta biết được những gì nhân loại đã tạo ra trong quá khứ để xây dựng được xã hội văn minh ngày nay, từ đó hình thành được ở người học ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp do con người trong quá khứ để lại.
Chương trình môn Lịch sử được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực người học, vì vậy phương pháp dạy học chủ đạo là tích cực hóa hoạt động của người học, chú trọng tổ chức cho HS thực hiện các hoạt động học tập gắn với những tình huống của cuộc sống. Để các tiết học lịch sử trở nên thú vị và không nhàm chán cô và trò của chi đoàn 10A4 đã thường xuyên đổi mới cách học và đạt hiệu quả cao. Ấn tượng nhất là tiết học diễn ra vào sáng thứ 6 ngày 31/03/2023 vừa qua, để lại cho chúng em rất nhiều ấn tượng và nội dung kiến thức được khắc sâu một cách dễ dàng.
Tiết học có mặt của cô Trần Thị Vui - giáo viên môn Lịch sử cùng toàn thể các bạn học sinh của lớp 10A4. Để tổng kết bài học về những nền văn minh Việt Cổ, cô Vui đã giao nhiệm vụ cho chúng em giới thiệu về nét đặc sắc của các nền văn minh ấy. Gợi ý của cô là có thể hóa thân thành các hướng dẫn viên du lịch, hoặc làm các video thuyết trình,… Nhận được nhiệm vụ các nhóm đã hăng hái, tích cực tìm hiểu về những thành tựu cổ của Việt Nam và lựa chọn cho nhóm mình một thành tựu để trình bày. Nhóm nào cũng rất hăng hái tìm hiểu qua nhiều tài liệu như sách báo, mạng Internet. Mỗi một nhóm mang tới một màu sắc riêng khiến buổi học vô cùng sôi động.
Mở đầu tiết học chính là "chuyến du lịch đến bảo tàng Việt cổ" của hai hướng dẫn viên du lịch đến từ nhóm 1 giới thiệu về trang phục của văn minh Văn Lang - Âu Lạc. Là nền văn minh ra đời đầu tiên trên đất nước Việt Nam, gắn liền với vô vàn những câu truyện truyền thuyết như: Âu Cơ - Lạc Long Quân, Con Rồng cháu Tiên hay sự tích Bánh chưng, bánh dày,…Nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc rất được người dân quan tâm về tín ngưỡng, tôn giáo, đời sống vật chất và tinh thần, theo đó trang phục cũng rất được quan tâm. Khoác lên mình là trang phục thời Văn Lang - Âu Lạc do chính các bạn trong nhóm cùng nhau tạo ra: nam thì đóng khố, ở trần; nữ thì mặc yếm, váy và đeo trang sức. Cách hóa thân vô cùng mới mẻ khiến chúng em đều chăm chú lắng nghe và thêm hiểu bài.
Nhóm 1 mô phỏng trang phục thời Văn Lang - Âu Lạc
Tiếp theo, chúng em có chuyến tham quan đến Thánh địa Mỹ Sơn qua màn hình nhỏ với sự trình bày của hướng dẫn viên du lịch nhóm 2: tìm hiểu về đời sống vật chất của người dân Chăm Pa.Thánh địa Mỹ Sơn là di tích lịch sử cấp quốc gia của Việt Nam, đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động, lễ hội quan trọng của người Chăm-pa. Trong quá trình xem lễ hội Ka-tê diễn ra, điểm nổi bật không chỉ ở phong tục, tập quán, các trò chơi dân gian mà còn ở đời sống vật chất của họ nữa. Được biết, người dân Chăm-pa ở trong các ngôi nhà trệt, xây bằng gạch nung, tường có quét vôi khác với người Văn Lang- Âu Lạc, hoặc ở nhà sàn làm bằng gỗ, tre,... Đặc biệt nhất có lẽ là về phần giới thiệu trang phục của người Chăm, bạn Trần Khánh Huyền và Nguyễn Thế Trung đã mời một trong số những "du khách" lên hướng dẫn về cách mặc trang phục. Bạn đã chia sẻ: Trang phục của người Chăm xưa là một mảnh vải (gọi là ka-ma) quấn quanh người từ phải sang trái và che từ ngang lưng đến chân,……vừa nói bạn vừa hướng dẫn chi tiết cách mặc.
Nhóm 2 lên hướng dẫn cách mặc trang phục của người Chăm
Cuối cùng nhóm 3 và nhóm 4 mang đến cho chúng em một làn gió mới, các bạn lựa chọn giới thiệu về đời sống vật chất của cư dân Việt cổ bằng phương pháp lồng tiếng vào video. Đời sống vật chất của cư dân Văn Lang - Âu Lạc và cư dân Phù Nam được các bạn sưu tầm học liệu, tìm hiểu và giới thiệu rất kĩ. Không chỉ vậy, phân công nhiệm vụ trong từng nhóm cũng rõ ràng, tất cả đều phối hợp ăn ý với nhau tạo nên những phần trình bày thật lôi cuốn và hấp dẫn. Sau mỗi phần thuyết trình các câu hỏi được đưa ra nhằm củng cố kiến thức mà chúng em được học thông qua mỗi hoạt động, bạn nào cũng hào hứng giơ tay và mong được trả lời câu hỏi.
HS lớp 10A4 tích cực giơ tay trả lời câu hỏi
Kết thúc tiết học lịch sử với nhiều niềm vui và sự hứng thú. Hẳn đây là một tiết học lịch sử đáng nhớ của lớp 10A4 chúng em. Nhờ phương pháp dạy học mới, tiết lịch sử đối với chúng em không hề có sự nhàm chán mà trở nên vô cùng thú vị. Chúng em vừa được hiểu biết thêm về lịch sử hình thành của dân tộc, thêm tự hào, trân trọng giá trị trường tồn của nền văn minh cổ, thôi thúc thế hệ hậu sinh chúng em vươn lên sao cho xứng đáng với sự mong đợi, kỳ vọng của thế hệ cha ông. Chúng em cảm thấy rất yêu thích phương pháp học tập này.
Người viết: Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Khánh Huyền lớp 10A4