BÀN VỀ CÁCH HỌC TẬP HIỆU QUẢ CỦA HỌC SINH Ở TRƯỜNG THPT PHÙ CỪ
Bậc học THPT có vai trò rất quan trọng đối với mỗi học sinh, bởi giai đoạn này đóng vai trò định hướng nghề nghiệp, lựa chọn bước đi cho tương lai sau này. Từ thực tế, chúng ta thấy học sinh THPT tự đặt ra nhiều câu hỏi, đôi khi rất khó để trả lời như: Sau khi học xong lớp 12, sẽ lựa chọn hướng đi như thế nào? Học ngành gì? Học trường nào? Phải học như thế nào khi kiến thức các môn học ngày càng nhiều? Làm thế nào để học giỏi? Làm thế nào để nắm vững kiến thức các môn học? Làm thế nào để cân bằng được học tập và các hoạt động khác?Làm thế nào để không bị cuốn theo những cám dỗ từ mạng xã hội, từ bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê? Đặc biệt một câu hỏi rất lớn đặt ra làm thế nào vừa học tốt các môn vừa tham gia rèn luyện các kỹ năng cho bản thân?....
Tuy nhiên, học sinh nói chung và học sinh THPT nói riêng cần phải xác định rằng: Việc học tập và rèn luyện là việc quan trọng nhất trong giai đoạn này. Vậy làm thế nào để học tập hiệu quả, đạt kết quả cao? Thiết nghĩ, để học tập đạt hiệu quả cao, mỗi người cần tìm cho mình một phương pháp học tập hiệu quả. Với kinh nghiệm học tập, giảng dạy, tham gia công tác đoàn thể, người viết xin chia sẻ tới các em học sinh bậc THPT nói riêng và học sinh nói chung một số cách để có thể học tập tốt.
1. Xác định mục tiêu
Việc xác định mục tiêu của bất cứ hành động nào có vai trò rất quan trọng. Mục tiêu đúng đắn trở thành động lực cổ vũ mỗi chúng ta san bằng mọi khó khăn, vượt qua mọi thử thách. Học sinh cần xác định rõ ràng mục tiêu học tập. Tự trả lời một số câu hỏi như: Mình sẽ học nghề gì? Học trường nào? Nếu định học đại học thì sẽ lựa chọn những hình thức xét tuyển nào? (hiện nay các trường đại học áp dụng nhiều hình thức tuyển sinh như: xét học bạ, sử dụng kết quả bài thi tư duy/ bài thi đánh giá năng lực; kết quả IELTS; xét điểm thi THPT?) Có ý định đi du học, hay đi làm ngay sau khi học xong bậc THPT?
Muốn xác định đúng mục tiêu học tập cần căn cứ vào năng lực, sở trường, đam mê của bản thân; điều kiện hoàn cảnh của gia đình và tìm hiểu nhu cầu của xã hội. Tránh hiện tượng lựa chọn mục tiêu theo tâm lí đám đông, cảm tính…
2. Lập thời gian biểu hợp lí
Với học sinh THPT, nhiều môn học, khối lượng kiến thức nhiều, nhiều nội dung kiến thức khó vậy để hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, đạt mục tiêu đề ra học sinh cần có một kế hoạch về thời gian thật hợp lý, khoa học.
Kế hoạch học tập có thể hiểu là một chuỗi công việc được sắp xếp theo một trình tự nhất định để đạt được mục tiêu học tập đã đề ra. Với học sinh, việc lập kế hoạch, lập thời gian biểu giúp học sinh điều chỉnh hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình một cách hợp lý, quản lí tốt thời gian; tự chủ, tự lập trong học tập và cuộc sống.
Học sinh có thể tham khảo khung thời gian biểu như sau:
Thời gian | Thứ 2
| Thứ 3 | Thứ 4 | Thứ 5 | Thứ 6 | Thứ 7 | Chủ nhật | Ghi chú |
5h30 – 6h30 |
|
|
|
|
|
|
|
|
6h50-11h50 |
|
|
|
|
|
|
|
|
12h-13h30 |
|
|
|
|
|
|
|
|
14h-17h |
|
|
|
|
|
|
|
|
17-19h |
|
|
|
|
|
|
|
|
19h-23h |
|
|
|
|
|
|
|
|
* Lưu ý khi lập thời gian biểu:
- Cần có quyết tâm, nỗ lực, kiên trì để thực hiện thường xuyên liên tục kế hoạch đã đặt ra (trừ trường hợp có lí do đặc biệt), để tạo thành thói quen tốt.
- Cần cân bằng giữa thời gian học tập, vui chơi giải trí, tham gia các câu lạc bộ, tập thể dục thể thao, làm việc nhà cùng gia đình;
- Đảm bảo sức khỏe: không nên thức quá khuya hoặc dậy quá sớm bởi sẽ thay đổi nhịp sinh học, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Cân đối giữa việc tự học và học thêm để mở rộng, nâng cao kiến thức để đảm bảo hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình.
3. Học ở trên lớp:
Việc học tập trên lớp đặc biệt quan trọng vì nó chiếm phần lớn thời gian học tập, cần tập trung cao trong giờ học để hiểu bài và tự thâu tóm nội dung chính, tự ghi chép theo cách riêng của mình.
(Learning Pyramid hay Cone of Learning - Viện Nghiên cứu Giáo dục Mỹ)
Từ mô hình tháp học tập trên, chúng ta có thể thấy kiến thức lưu lại trong bộ não mỗi người theo các hình thức học tập khác nhau. Để gặt hái được nhiều kiến thức, trong các giờ học trên lớp học sinh cần tập trung học tập, không làm việc riêng, có cách ghi chép khoa học, tích cực tham gia xây dựng bài, giành cơ hội để được thể hiện ý kiến của bản thân trước lớp; có khả năng và kĩ năng tranh biện để tìm hiểu sâu vào bản chất của vấn đề; học theo nhóm, mạnh dạn hỏi giáo viên những vấn đề, những nội dung kiến thức còn mơ màng, chưa sâu, cần tập trung để hiểu bài và nắm vững nội dung kiến thức cơ bản ngay trên lớp, tránh tình trạng bài trên lớp không học, giờ này học môn khác và có ý nghĩ để về nhà học, gần thi mới học…
4. Tự học
Việc tự học có vai trò quan trọng để biến kiến thức trong sách vở, kiến thức của thầy cô thành kiến thức của bản thân mình. Cần dành lượng thời gian hợp lí khi tự học ở nhà. Thời gian gợi ý có thể học từ 4 – 5 tiếng/ngày. Khoảng 2 tiếng/ngày dành vào việc học lại bài của buổi sáng học ở lớp và hoàn thành các nhiệm vụ học tập; khoảng 2 tiếng dành cho việc học lại bài cũ và chuẩn bị bài ngày hôm sau; khoảng 1 tiếng dành cho việc ôn tập. Như vậy mỗi nội dung kiến thức được học đi học lại 4 đến 5 lần….. tránh việc học thuộc lượng kiến thức lớn ngay tại cùng một thời điểm.
Thời điểm tự học có thể học buổi sáng sớm hoặc buổi tối theo kế hoạch thời gian. Kiến thức học ở nhà có thể bao gồm một số nội dung: tự ôn lại kiến thức đã học trên lớp, chuẩn bị bài mới cho ngày hôm sau; tích lũy mở rộng kiến thức về các lĩnh vực, kĩ năng sống. Học sinh có thể tham khảo và sử dụng một số ứng dụng học tập hữu ích trên mạng như: grammarly, vungoi, toanmath, app notion, app pomodoro, Vuihoc.vn, Edupia…Tuy nhiên, khi tự học, học sinh cần có nguyên tắc, có kỉ luật và tự quản lí bản thân tốt không để các thiết bị điện tử làm cho xao nhãng. Có thể để điện thoại ở chế độ im lặng, tránh bị mất tập trung. Cần duy trì thường xuyên đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ học tập theo kế hoạch tránh tình trạng ở nhà lại không có người sát sao, tự nuông chiều bản thân, không tập trung học tập và sử dụng thời gian không hợp lí.
5. Chú ý:
- Mỗi học sinh có thể lựa chọn cho mình những phương pháp học tập phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên cần nhớ, phải nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa của các môn học. Bởi đó là kiến thức nền, từ đó mới có thể mở rộng, nâng cao. Những môn khoa học tự nhiên cần chú trọng khâu làm bài tập, luyện đề, gắn lí thuyết với thực tiễn. Với những môn khoa học xã hội cần có khả năng khái quát, ghi chép (có thể sử dụng sơ đồ tư duy, sơ đồ hóa, giấy nhớ, sổ tay …),
- Cần sử dụng thời gian một cách thật sự hiệu quả, không nên trì hoãn công việc, học tập, không nên có tư tưởng việc hôm nay để ngày mai…
- Hãy nhớ những thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, những phần mềm, những ứng dụng…chỉ là những công cụ hữu ích, phục vụ cho việc học tập và cuộc sống của chúng ta. Do đó, hãy là những người sử dụng thông thái, đừng biến mình thành nô lệ của chúng!
- Đảm bảo sức khoẻ và duy trì phong độ…
- Đề phòng những lúc nản chí, dễ buông xuôi, hãy chia sẻ kế hoạch, dự định với bố mẹ để được tạo điều kiện về không gian, thời gian và đôn đốc nhắc nhở, đồng hành cùng chúng ta…
Ngạn ngữ Hi Lạp từng có nhận định rất ý nghĩa về hành trình gian khó của học tập: Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào. Học tập là một công việc gian nan trong rất nhiều việc gian nan, học tập sẽ trang bị kiến thức nền tảng vững chắc để mỗi người vững bước vào đời. Nhưng để thành công, chúng ta phải kiên trì, nỗ lực, phải có quyết tâm cao độ, có tính kỉ luật cao và tự chủ… Nếu mỗi học sinh, đặc biệt là học sinh THPT có những yếu tố đó, chúng ta có quyền tin rằng: Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi và chúng ta là người chiến thắng. Đường đến những ngày vinh quang không còn xa…. (Đường đến ngày vinh quang – Trần Lập)
Tác giả: Phạm Thị Thủy, giáo viên Ngữ văn.