ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN THÔNG QUATRÒ CHƠI Ở TRƯỜNG THPT PHÙ CỪ
Tác giả: Phạm Thị Thủy
Môn Ngữ Văn là một môn học có vai trò quan trọng để góp phần giáo dục học sinh một cách toàn diện. Bởi thông qua những tác phẩm trong chương trình, môn Ngữ Văn giúp bồi đắp tâm hồn, hướng học sinh tới những giá trị nhân văn tốt đẹp: Chân – Thiện – Mĩ. Đồng thời chính môn Ngữ Văn cũng giúp học sinh rèn luyện khả năng giao tiếp, tạo lập các loại văn bản phục vụ cho học tập, công việc và cuộc sống. Tuy nhiên do nhiều yếu tố cả chủ quan, khách quan ở phía người dạy, người học và thực tế định hướng nghề nghiệp của xã hội hiện nay mà có hiện tượng nhiều học sinh còn ngại học, không có hứng thú với môn học này. Điều đó dẫn tới chất lượng dạy học bộ môn trong nhiều nhà trường không cao.Trong giai đoạn hiện nay, toàn ngành giáo dục đang tích cực đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên là người hướng dẫn còn học sinh là trung tâm của quá trình giáo dục nhằm góp phần phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Mỗi giáo viên đều nỗ lực, đồng hành cùng Ngành trong cuộc đổi mới đó nhằm tìm ra phương pháp và kĩ thuật dạy học phù hợp với đối tượng học sinh và nội dung trọng tâm của bài học.
Trong quá trình giảng dạy, người viết cũng đã áp dụng linh hoạt các biện pháp và kĩ thuật dạy học như làm việc nhóm, dạy học theo dự án, sơ đồ tư duy, kĩ thuật 3-2-1, tia chớp, động não, bể cá, trò chơi…nhằm tạo hứng thú, phát huy tính tích cực, chủ động, tự tin... của học sinh. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng của học sinh ở môn học này.Bằng thực tế giảng dạy và qua cuộc khảo sát về hình thức học tập mà học sinh hứng thú nhất cho thấy, rất nhiều học sinh thích thú với phương pháp dạy học thông qua hình thức trò chơi.
Tại sao lại như vậy? Bởi vì bản thân trò chơi đã có tính hấp dẫn, có sự sôi nổi, có sức cuốn hút. Hơn nữa nếu trò chơi trí tuệ được thiết kế tốt sẽ kích thích sự hứng thú nhận thức và niềm say mê của người chơi. Hoạt động học tập được tổ chức thông qua trò chơi sẽ tạo ra môi trường học tập sôi nổi, thân thiện, tạo ấn tượng về nội dung bài học. Do đó học sinh sẽ ghi nhớ nội dung bài học dễ dàng và bền vững hơn. Cũng qua trò chơi, học sinh sẽ phát triển được nhiều năng lực như năng lực giải quyết vấn đề, tự học, giao tiếp, hợp tác, nắm bắt cơ hội trả lời để ghi điểm (tạo tiền đề để học sinh nắm bắt cơ hội trong cuộc sống sau này)… Người học thấy được một cách trực tiếp, cụ thể kết quả học tập của mình, thúc đẩy tính tích cực, năng động, tự giác của người học. Những tiết học mà giáo viên tổ chức trò chơi sẽ có sức hút với học sinh, giờ học trở nên thú vị, không nặng nề khô khan, áp lực.
Trong khuôn khổ bài viết này, người viết muốn chia sẻ các bước tổ chức có hiệu quả trò chơi trong dạy học môn Ngữ Văn.
Bước 1: Chuẩn bị.
+ Xác định mục đích của trò chơi. Đây là yếu tố quan trọng để quyết định lựa chọn nội dung và thời gian tiến hành cũng như cách thức thực hiện trò chơi. Chẳng hạn như giáo viên định dùng trò chơi để kiểm tra bài cũ và dẫn dắt bài mới thì thiết kế ở hoạt động khởi động. Tác dụng của trò chơi ở đầu giờ đó là tạo tâm thế học tập cho học sinh, khơi gợi hứng thú của các em trước giờ học.
+ Lựa chọn đơn vị nội dung kiến thức phù hợp khi tổ chức trò chơi: Nội dung kiến thức cần vừa sức với học sinh. Không nên lựa chọn nội dung quá dễ như vậy sẽ không kích thích được trí tò mò, khát khao khám phá của học trò. Nhưng cũng không nên chọn vấn đề quá khó của bài học, sẽ gây ra sự chán nản cho các em.
+ Lựa chọn trò chơi: Giáo viên có thể sưu tầm trên internet hoặc sáng tạo một số trò chơi sử dụng trong quá trình dạy học. Đối với môn Ngữ Văn, có thể áp dụng một số hình thức trò chơi như: đuổi hình bắt chữ, câu đố văn học về tác giả tác phẩm và nhân vật văn học, điền khuyết, thể hiện năng khiếu, tranh luận để ủng hộ hay bác bỏ, đóng kịch, thi đọc, giải ô chữ, tổ chức cuộc thi “Nét bút xinh”, “Nét chữ nết người”, “Mái trường mến yêu”…
Bước 2: Tổ chức trò chơi
+ Giới thiệu về trò chơi: tên, luật chơi, cách phân thắng bại, thưởng cho đội thắng, phạt với đội thua…Hình thức thưởng – phạt có lẽ là yếu tố có vai trò khá quan trọng, tạo nên sức “nóng” cũng như sự hấp dẫn của trò chơi. Do đó, giáo viên cần công khai ngay từ đầu để học sinh nắm được và tích cực khi tham gia trò chơi.
+ Tiến hành mẫu: Với những trò chơi mới, giáo viên cần cho học sinh tham gia thử để các em không bỡ ngỡ. (Với những trò chơi đã từng sử dụng thì không cần tiến hành mẫu)
Bước 3: Tổng kết:
Đánh giá, nhận xét, chốt kiến thức qua trò chơi, thưởng cho đội giành chiến thắng, phạt với đội thua.
Lưu ý khi vận dụng trò chơi trong dạy học môn Ngữ Văn
+ Giáo viên cần linh hoạt khi vận dụng trò chơi khi dạy học môn Ngữ Văn phù hợp với mục đích, đối tượng và nội dung dạy học. Những tác phẩm nặng về cảm xúc như “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” (Nguyễn Đình Chiểu), “Độc Thanh kí” (Nguyễn Du), Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo), “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” (Đặng Trần Côn)… thì không nên tổ chức trò chơi. Vì như vậy sẽ làm vỡ mạch tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình, đôi khi gây phản cảm.
+ Hình thức thưởng/phạt với đội thắng hoặc đội thua cũng cần phù hợp. Phần thưởng với đội thắng ví dụ như thưởng bằng hình thức tặng đồ dùng học tập (sổ ghi nhớ, bút viết, bút chì, tẩy, thước…) cộng điểm (có thể là 0,5 hoặc 1 điểm… vào bài kiểm tra 15 phút hoặc kiểm tra miệng), tuyên dương trước lớp… Còn hình phạt với nhóm thua thì cũng nên nhẹ nhàng, không đánh vào lòng tự trọng hoặc ảnh hưởng tới kinh tế của các em.
+ Không nên tiết nào cũng tổ chức trò chơi vì món ăn có ngon đến mấy mà ăn nhiều lần thì cũng ngán
+ Giáo viên trở thành vị quan tòa chí công vô tư, phải ứng xử công bằng giữa các đội, các nhóm.
+Giáo viên cần làm chủ được tình thế, tránh hiện tượng lớp học ồn ào, mất trật tự ảnh hưởng tới các lớp xung quanh.
Một số hình ảnh minh họa đổi mới dạy học Ngữ Văn thông qua trò chơi
(Hs làm thư kí ghi chép kết quả của các vòng thi)
(Hs xung phong trả lời câu hỏi)
(Hs thảo luận nhóm)
(Hs trả lời câu hỏi)
(30/38 học sinh hứng thú khi học văn với hình thức trò chơi)
(Bài viết tham dự cuộc thi “Mái trường mến yêu” do lớp 11A8 tổ chức)
(Triển lãm cuộc thi viết về “Mái trường mến yêu” của tập thể 11A8)