LỚP 10D4 TRƯỜNG THPT PHÙ CỪ VỚI TIẾT HỌC SÂN KHẤU HÓA TÁC PHẨM VĂN HỌC
Tác giả: Phạm Hà Hương Giang, Hà Thị Dự
Theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 1018, ngoài sách giáo khoa Ngữ văn dùng cho tất cả học sinh, mỗi lớp còn có các chuyên đề học tập. Đây là những chuyên đề tự chọn nhằm nâng cao kiến thức văn học, ngôn ngữ và phát triển kĩ năng vận dụng những tri thức ngữ văn đã được trang bị vào thực tiễn học tập và cuộc sống; đáp ứng năng lực, nhu cầu và sở thích cá nhân của người học; giúp học sinh bước đầu phân hóa theo định hướng nghề nghiệp, nhất là những bạn học sinh có thiên hướng về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 1018, vào thứ 2, tiết 4, sáng ngày 27/2/2023, lớp 10D4 trường THPT Phù Cừ tham gia tiết học chuyên đề: Sân khấu hóa tác phẩm văn học, tổ chức và điều hành tiết học là thầy giáo Lê Hồng Phong – giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn cùng sự tham gia học tập của 31 học sinh trong lớp.
Sân khấu hóa tác phẩm văn học là chuyển tác phẩm văn học thành kịch bản và biểu diễn trên sân khấu dưới các hình thức khác nhau. Tác phẩm văn học được chuyển thể từ câu chuyện trên trang giấy sang hình thức một kịch bản văn học (biên kịch). Từ kịch bản ấy, hình dung ra cách thức biểu diễn (đạo diễn) và thực hành thể hiện nội dung kịch bản trên sân khấu (diễn xuất). Học sinh chuyển từ hoạt động đọc hiểu văn bản sang hoạt động tập làm các nhà biên kịch, đạo diễn và diễn viên và bước đầu làm quen với công việc của ngàng sân khấu, điện ảnh.
Có nhiều hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học nhưng hình thức phổ biến và thể hiện rõ nhất tính chất sân khấu hóa là hình thức tiểu phẩm và hoạt cảnh. Xây dựng tiểu phẩm là hình thức biểu diễn toàn bộ tác phẩm (nhiều cảnh, nhiều màn), cần có thiết bị và không gian biểu diễn (sân khấu); hình thức hoạt cảnh là minh họa bằng các hoạt cảnh ngắn, học sinh có thể đoc hoặc ngâm thơ, múa hát, nhạc kịch, minh họa ngắn. Để sân khấu hóa một tác phẩm văn học, cần chú ý tiến hành theo quy trình 4 bước: nghiên cứu, lựa chọn tác phẩm và hình thức chuyến thể; biên kịch- xây dựng/ soạn thảo kịch bản; đạo diễn; biểu diễn.
Sân khấu hóa tác phẩm văn học là chuyên đề có thời lượng 15 tiết, sau khi học xong những tiết đọc hiểu định hướng tìm hiểu chung về lí thuyết, thầy giáo Lê Hồng Phong đã chia lớp thành 4 nhóm và giao nhiệm vụ cho các nhóm chuẩn bị thực hành sân khấu hóa tác phẩm văn học. Khi nhận được nhiệm vụ học tập, các nhóm đã thảo luận và thống nhất lựa chọn tác phẩm văn học, xây dựng kịch bản, chọn hình thức sân khấu hóa, phân vai và tiến hành tập diễn, Sau hơn một tuần hăng say tập luyện, giờ học này là cơ hội để các nhóm cho ra mắt sản phẩm độc đáo của nhóm mình.
Mở đầu là tiết mục biểu diễn của nhóm 1, các bạn nhóm 1 đã lựa chọn hình thức hoạt cảnh đọc thơ với một đoạn thơ tiêu biểu trích trong “Đất Nước” (Trường ca Mặt đường khát vọng) của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu từ miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân ta biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…”
Cùng với giọng đọc diễn cảm của hai bạn Nguyễn Thị Hằng và Lưu Hoàng Quỳnh Trang, nhóm 1 còn thiết kế những hình ảnh minh họa và trình chiếu bằng PowerPoint như: mẹ kể chuyện cổ tích cho con nghe, Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, miếng trầu bà ăn, hạt gạo, cái kèo, cái cột,…
Tiết mục biểu diễn hoạt cảnh của nhóm 1 đã giúp chúng em hiểu và yêu quý hơn về quê hương, đất nước mình. Vậy là đất nước không hề xa xôi, trừu tượng mà kết tinh trong những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và gần gũi, thân thiết trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
(Hoạt cảnh đọc thơ “Đất Nước”)
Tiếp theo là phần trình bày sản phẩm của nhóm 4, cũng lựa chọn hình thức hoạt cảnh về một bài thơ song phần biểu diễn của các bạn lại có hướng đi riêng, các bạn đã lấy clip ngâm thơ bài Hương thầm của tác giả Phan Thị Thanh Nhàn do nghệ sỹ Kim Dung ngâm làm phông nền để minh họa ngắn.
Cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ.
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa.
Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay,
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm,
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Họ ngồi im không biết nói năng chi
Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi,
Nào ai đã một lần dám nói?
Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin,
Cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không dấu được cứ bay dịu nhẹ.
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu.
(Anh vô tình anh chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấy...)
Rồi theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường
Hương thơm sẽ theo đi khắp
Họ chia tay
Vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi.
Bạn Đoàn Đặng Tùng Dương vào vai người con trai ra trận, bạn Quách Thị Phương Anh vào vai cô gái, ấn tượng nhất trong phần minh họa là cảnh cô gái gói chùm hoa bưởi trong chiếc khăn tay trao tặng cho người yêu trước ngày chàng trai ra trận. Với phần minh họa, các bạn đã tái hiện lại không khí sục sôi, hào hùng của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và vẻ đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ sẵn sàng hy sinh tình yêu cá nhân để lên đường chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc.
(Hoạt cảnh “Hương thầm”)
Nếu nhóm 1, nhóm 4 chọn hình thức hoạt cảnh thì nhóm 2 và nhóm 3 lại chọn hình thức tiểu phẩm, do thời gian dành cho tiết học hạn chế nên cả hai nhóm chỉ lựa chọn một cảnh tiêu biểu trong tác phẩm văn học để biểu diễn. Đến với tiết mục của nhóm 2, các bạn đã chuyển thể từ tác phẩm Tắt Đèn nổi tiếng của nhà văn Ngô Tất Tố và lấy trích đoạn “Tức nước vỡ bờ” làm kịch bản. Với sự vào vai rất đạt của bạn Nguyễn Thị Thanh (chị Dậu), bạn Đào Gia Bảo (chồng chị Dậu), tiểu phẩm đã đưa chúng ta trở về giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám để hiểu và cảm thông cho cuộc sống khốn khổ của người nông dân trước nạn sưu cao thuế nặng của bọn thực dân và địa chủ phong kiến, đồng thời thấy được sức mạnh, tình thương yêu chồng con của những người phụ nữ như chị Dậu.
Cuối cùng là phần biểu diễn tiểu phẩm đoạn trích Tấm thử giày và trở thành hoàng hậu trích ttrong truyện dân gian quen thuộc “Tấm Cám” của nhóm 3, Với sự vào vai của nạn Phan Thị Như (Tấm), bạn Nguyễn Thị Huyền (Cám), bạn Nguyễn Đức Tuấn (nhà vua), tiểu phẩm không chỉ mang đến những tiếng cười mà còn giúp chúng ta hiểu được quan niệm Ở hiền gặp lành của người xưa.
(Tiểu phẩm “Tắt đèn”)
(Tiểu phẩm “Tấm Cám”)
Sau phần biểu diễn của các nhóm là phần nhận xét chéo của các nhóm và phần nhận xét, rút kinh nghiệm cho các nhóm của thầy giáo Lê Hồng Phong. Và cuối cùng lớp cũng tìm ra được tiết mục xuất sắc nhất là hoạt cảnh đọc thơ “Đất Nước” của nhóm 1.
Như vậy, tiết học thực hành sân khấu hóa tác phẩm văn học của lớp 10D4 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Tiết học đã đem đến cho chúng em nhiều bài học bổ ích, nó không chỉ giúp chúng em hiểu sâu hơn về các tác phẩm văn học mà chúng em còn được sống hòa mình vào tác phẩm, vào nhân vật, được làm đạo diễn, làm diễn viên. Qua đó, cũng giúp chúng em yêu thích và có hứng thú hơn để học tập tốt bộ môn Ngữ văn.