Trao đổi chuyên môn Đôi điều về giáo viên chủ nhiệm
Trao đổi chuyên môn
Đôi điều về giáo viên chủ nhiệm
Trao đổi chuyên môn
Đôi điều về giáo viên chủ nhiệm
Phạm Thị Thuỷ
Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) có vai trò rất quan trọng đối với tập thể một lớp học. Để làm tốt vai trò của một GVCN cần có rất nhiều yếu tố. GVCN cần có tâm huyết, có tình yêu nghề, yêu người, có lòng bao dung, có sự hiểu biết về tâm lí của học trò, nắm được đặc điểm của học sinh của lớp mình: về học lực, điều kiện hoàn cảnh gia đình, về tính cách. Xuất phát từ trái tim chân thành, nhân hậu để dạy dỗ, uốn nắn các em. GVCN cần tạo được sự tin tưởng đối với học trò, luôn đồng hành cùng các em trong mọi hoạt động của lớp, của trường. Như sát sao trong các hoạt động hội học hội giảng, các phong trào kỉ niệm ngày 20/10; 20/11; 8/3, 26/3, những buổi lao động công ích, các hoạt động tập thể, những buổi dã ngoại, thăm quan…
GVCN cũng cần biết cách kiềm chế cảm xúc bởi cuộc sống đời thường với lắm lo toan, muộn phiền. Chính vì vậy, không nên trong những lúc nóng giận hoặc trước những hành vi lệch chuẩn của một số học sinh mà đổ dồn lên những học sinh khác, làm cho lớp học căng thẳng, không khí nặng nề, hiệu quả giáo dục không cao, xử lí tình huống không tốt.
GVCN cần vững vàng về chuyên môn ở bộ môn mình giảng dạy, cần tích cực trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Song song với việc rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn, người GVCN cần tu dưỡng đạo đức, lời ăn tiếng nói sao cho mẫu mực, mô phạm, cư xử đúng mực trước học trò. Có như vậy, GVCN mới “có uy” trước học sinh lớp mình. Bởi trong giáo dục, không có biện pháp nào hữu hiệu bằng giáo dục nêu gương - “lấy nhân cách bồi đắp nhân cách”.
Trong thời đại công nghệ thông tin, dùng face book đã trở thành phổ biến không phải chỉ của riêng giới trẻ. Chính vì vậy, GVCN cũng cần cũng cần tham gia để biết học sinh của mình đang nghĩ gì, làm gì, và từ đó có cách giáo dục phù hợp. GVCN cũng cần đổi mới phương pháp quản lí học sinh, áp dụng kỉ luật tích cực, tránh xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của học sinh.
Bầu chọn được những cán bộ lớp có năng lực, tích cực, có trách nhiệm với hoạt động của lớp, chính các em sẽ giúp quản lí, bao quát lớp khi GVCN không có mặt trên lớp. Bên cạnh đó cũng cần có chế độ đãi ngộ hợp lí để động viên các em. Nhưng không có nghĩa là GVCN dung túng cho những hành vi sai trái, bỏ qua những lỗi lầm của cán bộ lớp. Nếu cán bộ lớp mắc lỗi, GVCN cũng nghiêm khắc nhắc nhở, để các học sinh khác thấy rằng, GVCN công bằng, khách quan. Cần phối hợp chặt chẽ với GV bộ môn, Ban giám hiệu, các đoàn thể trong cũng như ngoài nhà trường để kết hợp giáo dục học sinh. GVCN cần công bằng trong khen thưởng cũng như trong kỉ luật, trong khi ứng xử với học sinh cần nghiêm khắc, cương quyết nhưng cũng mềm dẻo, khéo léo “lạt mềm buộc chặt”, áp dụng phương pháp kỉ luật tích cực để tránh dồn các em vào bước đường cùng, để các em nhận ra sai lầm của mình và sửa chữa.
Thay vì giáo viên thường tự đánh giá, xếp loại hạnh kiểm của học sinh căn cứ vào quá trình tự rèn luyện của em. Có thể để các em tự đánh giá lẫn nhau. Tuy nhiên cần tránh hiện tượng nảy sinh mâu thuẫn, bè phái, đánh lộn. Muốn làm được điều đó, GVCN cần có bảng nội quy rõ ràng, quy ra thang điểm, cho học sinh cùng tham gia bàn luận, đi đến thống nhất. Chẳng hạn hs đi học muộn bì trừ 5 điểm/ 1 lần; không học bài, không chuẩn bị bài trừ 5 điểm; hs tích cực tham gia xây dựng bài được cộng 5 đ/ 1 lần nếu trả lời đúng; tham gia văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được cộng 10 điểm/1 lần….Bản nội quy lớp cần được thể hiện rõ ràng, cụ thể, dễ thực hiện, công khai, hs cùng được thảo luận góp ý, xây dựng. Sau đó hướng dẫn các cán bộ lớp chấm điểm. Các tổ trưởng sẽ báo cáo tình hình trong tuần của các thành viên cho lớp trưởng vào cuối tuần. Lớp trưởng báo cáo với GVCN, xếp hạnh kiểm theo từng tuần, từng tháng, từng học kì, cả năm. Việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm cần phải công khai, minh bạch. Nếu học sinh nào có thắc mắc sẽ được giải trình phù hợp. Nếu có thang điểm rõ ràng, các học sinh cũng có thể tự đánh giá hạnh kiểm của mình.
Đổi mới trong các giờ sinh hoạt: GVCN cần sử dụng hợp lí, có hiệu quả những tiết sinh hoạt. Không nên tạo cho học sinh áp lực rằng giờ sinh họat là giờ phải nghe “ca nhạc”, GVCN độc diễn với những nốt nhạc trầm buồn mang giai điệu chỉ trích, xử phạt hs mắc lỗi trong tuần. Giờ sinh hoạt có thể tổ chức thành các tiết ngoại khóa theo chủ đề như ngày quốc tế phụ nữ, ngày khuyến học, vai trò của thanh niên, truyền thống tôn sư trọng đạo, kĩ năng sống. Những chủ đề đó có thể tổ chức thành các trò chơi, cuộc thi…
Làm công tác giáo viên chủ nhiệm vô cùng vất vả, đôi khi cũng chịu nhiều áp lực từ nhiều phía. Có nhiều nỗi buồn nhưng cũng không ít niềm vui. Là giáo viên chủ nhiệm như người có con thơ, con mọn. Có con thơ thì vất vả sớm hôm, lo lắng đủ đường! Nhưng sẽ buồn biết bao nếu như “người phụ nữ đi lấy chồng mà không có con”! Tôi rất thích câu nói của tác giả Giản Tư Trung trong bài “Để chạm vào hạnh phúc” (Trích Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 2012): Có hai cách để mỗi chúng ta có thể trở “chạm” vào được hạnh phúc: làm được những việc lớn hoặc làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn. Và khi biết chọn cho mình một lẽ sống phù hợp rồi sống hết mình và cháy hết mình với nó, mỗi người sẽ có được một hạnh phúc trọn vẹn.