Tản văn ĐỐNG RƠM QUÊ
Có người bạn nói với tôi: “Nhớ gì không nhớ, nhớ đống rơm”. Nhưng biết làm sao khi nỗi nhớ bất chợt gọi tên như thế. Quê tôi vào vụ gặt, rơm phơi vàng đầy đường làng ngõ xóm.
Có người bạn nói với tôi: “Nhớ gì không nhớ, nhớ đống rơm”. Nhưng biết làm sao khi nỗi nhớ bất chợt gọi tên như thế. Quê tôi vào vụ gặt, rơm phơi vàng đầy đường làng ngõ xóm. Sau vụ gặt, nhà nào nhà ấy có thêm một đống rơm gọn gàng, tươm tất. Nhà ai cấy nhiều thì đống rơm càng to, có nhà tới ba bốn đống, đánh cả ra vệ đường. Hồi nhỏ chơi trốn tìm, có thằng chui vào đống rơm rồi ngủ quên. Một phen hú hồn! Cái mùi rơm được nắng gió hanh cũng thật ấn tượng, cho nên rải ổ rơm để ngủ qua những đêm đông giá rét luôn là một điều gì của riêng bọn trẻ, háo hức và lạ lẫm. Trên thì chiếu, dưới thì rơm, nằm vào nghe lạo xạo thích thú, chiếc chăn bông trùm kín chân và chỉ còn những giấc mơ êm đềm ở lại. Cái hơi ấm từ ổ rơm đó ấp ủ, chở che chúng tôi suốt chặng đường dài tuổi thơ. Lớn lên, tôi còn được nghe những câu chuyện rất mùi mẫn nhưng cũng không kém phần kịch tính về các chàng trai cô gái với mối tình đống rơm. Lúc nghe xong, tự nhiên thấy lòng dội về bao cảm xúc khác nhau của tuổi mới lớn, mặt tôi bừng đỏ như đang đọc đến một đoạn văn đầy màu sắc và thanh âm trong truyện ngôn tình.
Những hôm không học hoặc đi học được bất ngờ nghỉ sớm, chúng tôi thường phải về nhà ngay để rút rơm thổi cơm giúp bố mẹ. Rơm để đun nấu nên mỗi lần rút là cứ phải hàng sảo mới đủ. Vui nhất là những khi ra rút rơm gặp mấy quả trứng vịt đẻ lệch ngày hoặc những hôm trời mưa, cá rô từ ao lách lên tận chân đống rơm, thậm chí có lần tôi còn bắt được cả ba ba bò lên làm ổ. Khi nhà có công việc lớn, phải mấy người đi rút rơm mới xuể. Cũng chả biết từ khi nào, chính cái màu khói từ lửa rơm ấy cuộn bay trong ánh tà dương buông đã trở thành nỗi buồn nhớ của bao người con xa xứ. Khói lam chiều vương vấn không biết bao đời thi thơ, kể cả không có khói rơm từ bếp nấu cơm chiều thì nó vẫn hiển nhiên là một biểu tượng bất biến, mãnh liệt và đầy ám ảnh. Một lần đợi đèn xanh giao thông ở thành phố, màu khói xe của bác chở hàng trước mặt khiến mắt tôi cay cay, lòng thấy nôn nao nhớ thời thơ ấu, nhớ bàn tay mẹ nấu bữa cơm chiều, nhớ cánh cò vội vã bên triền đê, nhớ…
Tôi còn nhớ việc rút rơm cũng phải gọn gàng, không được vương vãi vì rơm rạ còn dùng vào nhiều việc, những người nghèo hồi đó còn phải lấy rơm rạ lợp mái nhà mái bếp, cho đến mãi về sau này khi Đất nước chuyển mình, tôi mới thấy câu thơ “Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói” của Chế Lan Viên thật gợi cảm. Biết bao người đã sống cả một đời buồn vui với rơm rạ. Có những em bé được rơm lót ổ chào đời ở chân đống rơm khi mẹ chưa kịp đến bệnh xá. Có chị đã từng khóc tức tưởi bên đống rơm sau nhà khi tiễn người yêu nhập ngũ. Có những mẹ già cả đời vai áo vương rơm nuôi các con khôn lớn. Thế hệ chúng tôi, hình ảnh đống rơm còn gói ghém cả những điều về tuổi thơ dữ dội. Có lần hai anh em thi nhau rút rơm, đống rơm bỗng đổ vì rút lệch, hãi xanh mắt. Có lần đi học về thấy đàn gà bới tãi tan ngọn đống rơm, bực phát điên. Có ông chú thấy thằng cháu đi mua bao diêm bèn đùa một câu: “Mày mua diêm về đốt đống rơm đấy hả con?”, một lát sau khói um cả xóm, thằng cháu châm lửa đốt thật…
Hồi đi học xa nhà, mỗi lần ngồi trên ô tô nhìn qua cửa kính thấy mặt trời nhô cao từ sau ngọn đống rơm, tôi như nghe được cả tiếng gà gọi ban mai, thấy đâu đó bao giọt mồ hôi rơi xuống đồng ruộng. Vào những đêm hè, trăng vẫn cứ sáng vằng vặc trên nền trời trong vắt lấp lánh những vì tinh tú giữa vũ trụ khôn cùng. Trong không gian và thời gian ấy, hình như thi thoảng có ngôi sao sa cả xuống ngọn đống rơm đang bị sương đêm làm ướt đẫm. Đến bây giờ, những đống rơm không còn dùng nhiều vào việc nấu nướng nữa nhưng nấm rơm lại đang có mặt trong nhiều món ngon của người Việt. Một lần đi chợ quê ở một nơi xa, mùi rơm mới ven đường khiến tôi thấy mình như đang được ở quê nhà cùng bầy bạn vui đùa, cùng ngóng đợi mẹ đi chợ về. Những lúc như thế, tôi chỉ tiếc mình không đủ tài năng như danh họa Claude Monet người Pháp để vẽ những bức tranh về đống rơm trên quê hương Việt Nam, quê hương mến yêu với nền văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước từ hàng nghìn năm nay. Những lúc ấy, sao tự nhiên thấy hồn mình trong trẻo đến lạ kì.
Vũ Văn Cương
(Trường THPT Phù Cừ – Hưng Yên)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 567