A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CHI ĐOÀN 11A4 HÀO HỨNG VỚI TIẾT THỰC HÀNH MÔN LỊCH SỬ

 

Xi- xê- rô đã từng có câu danh ngôn “Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống” để nhấn mạnh tầm quan trọng của lịch sử đối với mỗi quốc gia. Ở Việt Nam theo chương trình GDPT 2018 thì Lịch sử trở thành môn học bắt buộc cho tất cả học sinh ở các khối lớp cấp THPT. Mục tiêu của môn học là giúp học sinh hiểu được gốc rễ của dân tộc, quê hương, đất nước; nhận thức được quá trình lịch sử của cha ông trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Môn học cũng giúp học sinh nắm được những sáng tạo của loài người trong quá khứ để tạo nên xã hội văn minh hiện đại, từ đó rèn luyện được ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa do con người trong quá khứ để lại. Tuy nhiên môn Lịch sử cũng để lại những khó khăn lớn đối với học sinh với lượng kiến thức nhiều, số liệu khó ghi nhớ. Nhưng từ khi được tiếp cận với chương trình lịch sử mới, chúng em không còn lo lắng sợ sệt điều đó nữa. Bởi sau mỗi một chủ đề sẽ có những tiết thực hành để học sinh thể hiện được khả năng thuyết trình, khả năng làm việc nhóm, chủ động sáng tạo với sản phẩm  của mình. Từ đó phát huy toàn diện các kỹ năng cho học sinh.

Buổi học thực hành lịch sử rất ấn tượng đã diễn ra vào sáng thứ 3 ngày 27/02/2024 vừa qua đã khiến cho chúng em có nhiều cảm xúc và hào hứng. Buổi học có sự tham gia của cô Trần Thị Vui - giáo viên môn Lịch sử cùng toàn thể các bạn học sinh của lớp 11A4. Nội dung thực hành là thuộc chủ đề 5 về một số cuộc cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam (trước năm 1858). Cô giáo đã giao nhiệm vụ cho các nhóm từ tiết trước: Yêu cầu học sinh lựa chọn và thuyết trình về một thành tựu cụ thể của một trong ba cuộc cải cách lớn. Cô Vui đã đưa ra gợi ý là có thể đóng vai các hướng dẫn viên du lịch, hoặc làm các bài thuyết trình,… Sau khi nhận được nhiệm vụ các nhóm đã nhiệt tình, chăm chỉ tìm hiểu về những thành tựu của một trong ba cải cách ở Việt Nam và chọn cho nhóm mình một thành tựu để trình bày. Mỗi một nhóm đều mang đến một phong cách riêng làm cho buổi học rất vui vẻ và hào hứng.

Các bạn rất hứng thú tham gia giờ học thực hành

Mở đầu buổi thuyết trình là phần trình bày của nhóm 1 về nội dung tìm hiểu về thành tựu tiêu biểu của nhà Hồ của bạn Nguyễn Thị Thu Phương

 

Thuyết trình nhóm 1

Nhóm 1 đã lựa chọn thành tựu tiêu biểu của nhà Hồ là súng thần cơ của Hồ Nguyên Trừng. Với sự khéo léo cùng khả năng tìm hiểu và khai thác thông tin của mình các bạn đã truyền tải cho người đọc về sự ra đời của súng thần cơ, thông số của súng, cách hoạt động và hiểu được ý nghĩa của thành tựu này là tuy không thể góp công đánh bại quân Minh xâm lược nhưng súng “thần cơ” của Hồ Nguyên Trừng đã mở ra sự phát triển quan trọng trong lịch sử quân sự của người Việt. Phải đến mấy trăm năm sau, quân Tây Sơn của vua Quang Trung mới một lần nữa phát huy đến đỉnh điểm các loại súng thần cơ này. Cùng với voi chiến mang theo súng thần cơ, uy lực của những cỗ “xe tăng Việt Nam” sơ khai này đã góp phần vào chiến công hiển hách bình Xiêm, phá Thanh của nhà Tây Sơn.

 Tiếp theo là phần thuyết trình của nhóm 2 về nội dung là thành tựu tiêu biểu trong cải cách của thời Lê sơ do bạn Nguyễn Thị nhật Minh thuyết trình

 

Thuyết trình của nhóm 2

 Nhóm 2 đã lựa chọn thành tựu tiêu biểu trong cải cách của Lê Thánh Tôngbộ Quốc triều hình luật hay còn gọi là luật Hồng Đức. Đây là bộ luật chính thức của nhà nước Đại Việt thời Lê sơ hiện còn được lưu giữ đầy đủ. Với sự nỗ lực cùng khả năng tìm hiểu và khai thác thông tin của mình, các bạn đã trình bày cho người đọc về quá trình xây dựng và phát triển của Quốc triều hình luật, cũng như những đóng góp của các bậc tiền bối trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa, giáo dục của Đại Việt. Quốc triều hình luật là một công trình pháp luật tiêu biểu được nhà Lê xây dựng, được coi là bộ luật nổi bật nhất, quan trọng nhất và có vai trò rất đặc biệt nhất trong lịch sử pháp quyền phong kiến Việt Nam. Bộ luật này có thể coi là bộ luật tổng hợp bao gồm nhiều quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như: luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn nhân-gia đình, luật hành chính,… Bộ Luật này có tính nhân đạo, tiến bộ, phù hợp với thực tiễn xã hội và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, người già.

Trong cải cách của vua Minh Mạng cũng có rất nhiều những thành tựu ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhóm 3 đã tìm hiểu và lựa chọn vấn đề về lĩnh vực hành chính, đó là phân chia tổ chức bộ máy nhà nước ở trung ương, địa phương. Bài thuyết trình do bạn Nguyễn Mạnh Thưởng trình bày. Thông qua bài thuyết trình của nhóm 3 chúng em thấy được tầm nhìn xa trông rộng của vua Minh mạng trong việc phân chia địa giới hành chính. Đặc biệt việc phân chia các tỉnh đến hiện nay nhà nước ta cũng đang áp dụng.

Thuyết trình nhóm 3

 Sau phần thuyết trình của các nhóm thì phần hào hứng không kém đó là phần nhận xét, phản biện giữa các nhóm. Mỗi một nhóm đều đưa ra các thời khen, lời góp ý cho nhóm bạn để hoàn thiện sản phẩm của mình.

Hình ảnh nhận xét giữa các nhóm

Cuối cùng là phần nhận xét của cô giáo. Cô đã chỉ ra từng ưu điểm và hạn chế của từng nhóm. Cô đã dành nhiều lời khen cho sự chuẩn bị của các nhóm đặc biệt là những bạn thuyết trình rất tự tin. Nhiều nhóm còn có phần video hỗ trợ bài thuyết trình thêm sinh động.

Giờ học thực hành lịch sử đã kết thúc trong sự tiếc nuối, nhưng đọng lại trong mỗi chúng em niềm vui, sự hào hứng sau buổi học. Chúng em mong sẽ có nhiều giờ học thực hành lịch sử hơn nữa, để mỗi chúng em có cơ hội trau dồi, rèn luyện kỹ năng của bản thân. Đặc biệt là kỹ năng thuyết trình trước đám đông, kỹ năng phản biện, quan sát và làm việc nhóm.

                        Người viết: Nguyễn Thị Nhật Minh – Trần Khánh Huyền lớp 11A4

 


Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Hoạt động
Tin tức
Tin đọc nhiều