A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRƯỜNG THPT PHÙ CỪ TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI THẢO CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM LỚP NĂM HỌC 2023 – 2024

 

 

       Tác giả: Nguyễn Thị Đẹp, GV Tổ Sử - Địa – GDCD - GDANQP

Thực hiện Kế hoạch giáo dục năm học 2023 – 2024 của trường THPT Phù Cừ về công tác giảng dạy và chủ nhiệm lớp, căn cứ vào tình hình thực tiễn về kết quả học tập, thực hiện nền nếp, hành vi, lối sống, văn hóa, hiểu biết…của học sinh, chiều ngày 26/02/2024, trường THPT Phù Cừ đã tiến hành tổ chức Hội thảo công tác chủ nhiệm lớp năm học 2023 - 2024 để thấy được những vấn đề còn tồn tại và cùng đưa ra các giải pháp để khắc phục trong công tác chủ nhiệm lớp đồng thời tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong việc giáo dục học sinh.

Tham dự Hội thảo có thầy Dương Văn Long, Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường, thầy Hoàng Đức Hải, thầy Nguyễn Văn Song và cô Nguyễn Thùy Trang - Phó hiệu trưởng nhà trường cùng toàn thể các thầy cô giáo trong hôi đồng nhà trường.

Thầy Nguyễn Văn Song, Phó hiệu trưởng nhà trường, chủ trì hội thảo.

Nội dung của cuộc hội thảo gồm hai nội dung chính:

Phần một là tham luận của sáu thầy cô giáo trong các lĩnh vưc gồm: giáo dục việc thực hiện nền nếp học sinh; tuyên truyền, thực hiện an toàn giao thông; phòng chống bạo lực học đường; đẩy mạnh phong trào học tập; tư vấn tâm lí và phối hợp với phụ huynh học sinh trong giáo dục học sinh.

Theo cô Hoàng Oanh, để học sinh thực hiện tốt nề nếp, trước hết, ngay khi vào lớp 10, cô tìm hiểu thật kĩ từng đối tượng học sinh trong lớp chủ nhiệm và lựa chọn, đào tạo một đội ngũ cán bộ có trách nhiệm và gương mẫu. Ngoài ra cô còn đưa ra giải pháp cho học sinh tự đặt ra qui định chung phù hợp sau đó học sinh trong lớp kí cam kết và cùng thực hiện, giáo viên chủ nhiệm chỉ quan sát và đôn đốc việc thực hiện đó của học sinh.

Cô Hoàng Oanh phát biểu tham luận.

Khi tham luận về công tác phòng chống bạo lực học đường, cô Vũ Thị Hường cho rằng, bạo lực học đường phần lớn xuất phát từ việc học sinh chưa nhận thức được hành vi đúng và chưa đúng, học sinh chưa biết điều tiết cảm xúc, hành vi của mình. Theo cô, để giải quyết vấn đề này giáo viên cần thường xuyên tuyên truyền, phân tích, lắng nghe, chia sẻ, nêu gương và có cả những hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi cố tình vi phạm. Ngoài ra cô cũng nêu rõ cần tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh trong việc nhận thức những hành vi đúng và chưa đúng để thông qua phụ huynh giáo dục tới con em họ.

Cô Vũ Thị Hường phát biểu tham luận.

Khi tham luận về việc đẩy mạnh phong trào học tập trong lớp chủ nhiệm, thầy Lê Đức Thiện đã chỉ ra rất nhiều những khó khăn khi một lớp học bản chất đầu vào là đăng ký học ban tự nhiên nhưng lại có nhiều học sinh lựa chọn xã hội để thi THPT quốc gia và định hướng nghề nghiệp. Thầy cho rằng với một lớp mũi nhọn về học tập như lớp chủ nhiệm của thầy thì các hoạt động phong trào và thậm chí cả việc thực hiện nền nếp chỉ cần đạt ở một mức độ nhất định chứ rất khó để “toàn diện” về mọi mặt. Để đạt được nhiều thành tích cao trong học tập và có nhiều cơ hội trong việc định hướng nghề nghiệp thầy luôn động viên, hướng dẫn học sinh tích cực tham gia các cuộc thi như thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật, thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thi đánh giá năng lực, thi bài thi tư duy...Và thực tế trong các năm học trước những lớp học sinh thầy chủ nhiệm có rất nhiều em đã đạt được thành tích cao.

Ngoài 3 tham luận trên, cô Nguyễn Ngọc Ánh cũng đã đưa ra giải pháp rất hay để học sinh tích cực, chủ động trong việc thực hiện tham gia giao thông an toàn. Theo cô thường xuyên tổ chức các cuộc thi về giao thông hay những buổi ngoại khóa với chủ đề giao thông an toàn là cách tuyên truyền hiệu quả thiết thực đối với học sinh.

Cô Nguyễn Ngọc Ánh phát biểu tham luận.

Cô Lê Thị Hồi cũng đưa ra nhiều cách thức để tiếp cận và tư vấn tâm lí cho học sinh. Theo cô Hồi, tâm lí học sinh rất phức tạp, để tư vấn được cho học sinh trước hết phải biết được những hành vi nào xuất phát từ tâm sinh lí và hành vi nào xuất phát từ cảm xúc nhất thời từ đó mới đưa ra được lời khuyên và cách giải quyết.

Cô Lê Thị Hồi phát biểu tham luận

Cuối cùng là tham luận của cô Phạm Thị Thiện về vấn đề phối hợp với phụ huynh để giáo dục học sinh. Theo cô Thiện để hiểu được học sinh trước hết phải nhìn vào phụ huynh, hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ xã hồi từ đó mới có các biện pháp phối hợp phù hợp.

Cô Phạm Thị Thiện phát biểu tham luận.

Phần hai là ý kiến đóng góp, bổ sung của các thầy cô giáo khác trong hội đồng nhà trường. Thầy Nguyễn Chí Huy cho rằng học sinh học tập tốt trước hết phải có ý thức tự học, có đủ thiết bị tối thiểu để học và có kiến thức nền tảng trước đó nhưng nhiều học sinh hiện nay chưa đáp ứng được là một khó khăn rất lớn. Cô Vui cho rằng các thầy cô chủ nhiệm cần có sự nhắc nhở thường xuyên về việc học đồng đều ở tất cả các môn học…

Cuối cùng là những chia sẻ rất ý nghĩa của thầy Hoàng Đức Hải, một thầy giáo đã có nhiều tâm huyết, đóng góp cho ngành giáo dục. Thầy cho rằng giáo dục con người gốc rễ là sự giáo dục lòng hiếu thảo, sự biết ơn với những người sinh thành, những người giúp đỡ mình lúc khó khăn trong cuộc sống. Ngoài giáo dục để học sinh biết cái chữ, biết được những tri thức mới của cuộc sống cần chỉ cho học sinh cách học để làm người tử tế, người trưởng thành và có ích cho xã hội.

      Thầy Hoàng Đức Hải, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ ý kiến.

Sau phần tham luận và các ý kiến trao đổi, thầy Dương Văn Long, hiệu trưởng nhà trường đã có những kết luận sâu sắc về công tác chủ nhiệm lớp.

Thầy Dương Văn Long, Hiệu trưởng nhà trường, phát biểu chỉ đạo hội thảo.

Thông qua buổi hội thảo, nhiều thầy cô đã trang bị thêm cho mình nhiều kiến thức, kĩ năng mới, tăng cường khả năng ứng phó nhanh nhạy với các tình huông phát sinh trong quá trình giảng dạy và chủ nhiệm.

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Hoạt động
Tin tức
Tin đọc nhiều