TRƯỜNG THPT PHÙ CỪ TỔ CHỨC CHO HỌC SINH ĐI THAM QUAN, TRẢI NGHIỆM CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG
Tác giả: Trần Thị Vui (Tổ Sử - Địa - CD- QP)
Ngô Thị Yên (Tổ Ngữ văn)
Thực hiện kế hoạch giáo dục tháng 5 số117/KH-TPPTPC ngày 25 tháng 4 năm 2023 của trường THPT Phù Cừ; Kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục của Tổ Sử - Địa - CD – QP và tình hình thực tế của nhà trường về việc học tập thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm, đồng thời nhằm rèn luyện cho các em học sinh niềm yêu thích bộ môn Lịch sử, biết tri ân đến thế hệ cha anh- những người đã hy sinh để làm nên lịch sử vẻ vang cho quê hương, đất nước, chiều ngày 17 tháng 5 năm 2023, nhà trường đã tổ chức cho học sinh cả 3 khối lớp 10,11,12 tham gia hoạt động trải nghiệm tại ba di tích lịch sử, văn hoá của huyện Phù Cừ.
Đồng hành cùng đoàn tham quan, trải nghiệm của nhà trường gồm các đồng chí đại diện cho Ban giám hiệu, Công đoàn nhà trường, các tổ chuyên môn, Đoàn trường và 155 em học sinh đại diện cho 03 khối lớp.
Địa điểm đầu tiên mà thầy và trò trường THPT Phù Cừ dừng chân là Cây Đa và Đền thờ La Tiến. Đền tọa lạc tại thôn La Tiến, xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Đây là nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp, chúng đã giết hại 1.145 chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước trong đó có 121 chiến sĩ là người Nguyên Hòa. Những tội ác mà chúng để lại không ngòi bút nào có thể tả xiết nhưng cũng không vì thế mà làm lung lay ý chí chiến đấu của các chiến sĩ và nhân dân nơi đây.
Thầy và trò trường THPT Phù Cừ tại Cây Đa và Đền thờ La Tiến
Trong không khí trang nghiêm, để tỏ lòng biết ơn, thầy và trò trường THPT Phù Cừ đã dâng nén hương thơm trước anh linh những liệt sĩ đã hy sinh cho quê hương đất nước. Sau lễ dâng hương, dưới sự thuyết minh của cô Nguyễn Thị Hồng Thắm, những ký ức của thời kỳ chống Pháp đã hiển hiện. Nơi đây có những anh hùng bất khuất như bà Trần Thị Khang (tức Vũ Thị Kính quê ở xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, bà là em gái của đồng chí Trần Phương - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bà đã anh dũng hy sinh để bảo vệ quê hương, không chịu khuất phục trước trẻ thù. Tấm lòng kiên trung đó đã để lại trong lòng người dân Hưng Yên sự cảm phục sâu sắc.
Học sinh làm lễ dâng hương và nghe thuyết minh tại Cây Đa và Đền thờ La Tiến
Sau khi thuyết minh, cô giáo cho các em học sinh chơi trò chơi “Ai nhanh hơn” để đưa ra những câu hỏi về khu di tích, vừa tăng thêm sự hiểu biết cho các em học sinh, đồng thời để các em khắc sâu hơn những sự kiện, nhân vật và những mốc son chói lọi của khu di tích. Sau đó các em học sinh được tham quan tự do Bia căm thù, Cây Đa và Đền thờ. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ nói chung và thế hệ học sinh huyện Phù Cừ nói riêng về truyền thống cách mạng. Đến nơi đây, thầy và trò trường THPT Phù Cừ vừa thể hiện được lòng tri ân với những chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh anh dũng để bảo vệ quê hương, đất nước, đồng thời khắc sâu tội ác tày trời của kẻ thù cũng và thêm tự hào về một thời oanh liệt của nhân dân huyện Phù Cừ.
Học sinh tham gia trò chơi “Ai nhanh hơn” tại cây Đa và đền thờ La Tiến
Điểm đến thứ hai của thầy và trò nhà trường là đền Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân. Đền tọa lạc tại thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Sau lễ dâng hương, thầy và trò được nghe cô Nguyễn Thị Quyến, giáo viên môn Lịch sử của trường thuyết minh về tiểu sử của Lưỡng quốc trạng nguyên Tống Trân, về lễ hội và cấu trúc của đền. Tương truyền Tống Trân là cậu học trò nghèo học giỏi và vô cùng hiếu học. Ông được phong là Lưỡng quốc trạng nguyên. Đi sứ bên Tàu chịu nhiều vất vả nhưng ông vẫn làm tròn trách nhiệm với đất nước, chung thủy với người vợ Cúc Hoa ở quê nhà. Ông được truy phong làm "Thượng đẳng phúc thần" và được lập Đền thờ ngay tại quê nội - nơi ông đã sinh ra.
Thầy và trò trường THPT Phù Cừ làm lễ dâng hương ở đền thờ Tống Trân
Lễ hội diễn ra từ ngày mồng chín đến mười bảy tháng tư (Âm lịch) với những nghi thức trang nghiêm nhưng hết sức đơn sơ, giản dị, quy mô của lễ hội như: Lễ rước kiệu bà Cúc Hoa từ thôn Phù Oanh về đền Tống Trân.Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức, có nhiều năm còn diễn lại tích chèo Tống Trân - Cúc Hoa.
Những nghi lễ truyền thống đặc sắc cùng nhiều trò chơi dân gian phong phú đã đưa lễ hội đền Tống Trân trở thành một lễ hội lớn nhất của huyện Phù Cừ (Hưng Yên) thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Đây cũng là nét đẹp văn hóa góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và hun đúc thêm ý chí học hành của bao thế hệ tiếp nối để cùng xây sáng tương lai.
Điểm đến thứ ba của thầy và trò nhà trường là đền thờ Phượng Hoàng tại thôn Phù Oanh, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Thầy và trò trường THPT Phù Cừ làm lễ dâng hương tại đền bà Cúc Hoa
Cúc Hoa là vợ của Lưỡng quốc trạng nguyên Tống Trân. Bà được biết đến là người phụ nữ đảm đang, chung thủy, hết mực vì chồng, hiếu lễ với mẹ chồng khi chồng đi sứ. Tống Trân trở về biết được tấm lòng của vợ nên đã đón bà về đoàn tụ. Vua biết chuyện đã phong Cúc Hoa làm “quận phu nhân”. Đền bà Cúc Hoa được xây dựng chính trên gò mộ của bà- cũng là quê ngoại của Tống Trân. Không ai nhớ chính xác nhưng tương truyền, đền được xây dựng vào khoảng năm 1915, theo phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn. Trải qua thời gian, đền đã bị xuống cấp, nhiều lần được tu sửa lại. Lễ hội đền Cúc Hoa được diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 3 (Âm lịch). Trong lễ hội thường có phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ có lễ trình ông. Phần hội có các trò chơi dân gian như: Thi tát nước bên sông, đi cầu kiều, thi bắt trạch trong chum,… Sau lễ dâng hương, cô giáo Trần Thị Vui đã thuyết minh về cuộc đời bà Cúc Hoa, về đền thờ. Cô giáo đã đặt ra nhiều câu hỏi giao lưu với các em học sinh. Sự hào hứng trả lời câu hỏi của các em chứng tỏ các em đã có rất nhiều hiểu biết về các di tích Lịch sử trong huyện.
Học sinh trả lời câu hỏi giao lưu tại đền bà Cúc Hoa
Thầy Dương Văn Long- Hiệu trưởng nhà trường trao thưởng cho HS trả lời xuất sắc các câu hỏi giao lưu
Qua việc tìm hiểu về di tích, các em thấy được hình tượng Bà Cúc Hoa chính là một hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam mà mỗi chúng ta đều cần học tập và noi theo. Với giá trị lớn lao đó, năm 1991 Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Chuyến hành trình trải nghiệm học tập Lịch sử địa phương thông qua các di tích Lịch sử trong huyện đã khép lại. Thầy và trò trường THPT Phù Cừ một lần nữa tiếp thu được những kiến thức vô cùng bổ ích, thiết thực và có ý nghĩa sâu sắc. Mong rằng sau chuyến đi tham quan, trải nghiệm này, học sinh trường THPT Phù Cừ sẽ thêm yêu lịch sử nước nhà. Từ đó khơi dậy trong các em lòng tự hào và ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp hơn.