HỌC SINH TRƯỜNG THPT PHÙ CỪ VỚI MÔN GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG
Trong dòng chảy không ngừng của giáo dục hiện đại, việc đưa vào chương trình học những môn học mới gắn với thực tế đã trở thành một xu hướng đổi mới. Với thầy và trò trường THPT Phù Cừ, Hoạt động Giáo Dục Địa Phương không chỉ là một luồng gió mới, mà còn là nhịp cầu nối liền những giá trị quê hương với tâm hồn các thế hệ học sinh. Việc đưa hoạt động này vào giảng dạy nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp của tỉnh nhà. Mục tiêu chính là bồi dưỡng cho học sinh tình yêu, niềm tự hào về quê hương mình, từ đó giúp học sinh nâng cao ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của quê hương mình.
Theo kế hoạch chung của tỉnh Hưng Yên, chương trình giáo dục địa phương được đưa vào vào giảng dạy tại các trường THPT từ năm học 2022-2023, bắt đầu từ lớp10 cùng với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì là hoạt động giáo dục mới, chưa có giáo viên chuyên ngành nên Lãnh đạo nhà trường đã phân công giáo viên từ các môn Ngữ văn, Kinh tế pháp luật, Địa lý, Lịch sử thực hiện giảng dạy. Cũng vì thế mà các giờ học Giáo dục địa phương thực sự là những giờ học đổi mới một cách toàn diện. Thay vì truyền thụ những kiến thức về văn hóa, di tích, sự kiện lịch sử cho học sinh thì giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu kiến thức qua các trang mạng, các buổi trải nghiệm thực tế những di tích lịch sử văn hóa ở địa phương.
*Học sinh tích cực tham gia các tiết học.
Ở những tiết học đầu, các em còn bộc lộ nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Bên cạnh những học sinh hào hứng, chủ động trong học tập vẫn còn một số em cảm thấy bỡ ngỡ, thậm chí lo lắng khi đối mặt với lượng kiến thức mới lạ và những khái niệm địa lý khá trừu tượng. Việc phải ghi nhớ nhiều địa danh, con số và sự kiện lịch sử cũng khiến không ít em cảm thấy áp lực. Hiểu được điều đó, giáo viên đã áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tự tin tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển. Chỉ sau một vài tiết học, đa số học sinh trên các lớp tham gia một cách đầy nhiệt huyết, tích cực và sáng tạo, làm bừng sáng ý nghĩa của bộ môn này.
Với tâm thế sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ, các em đã nhanh chóng hòa mình vào các hoạt động của môn Giáo dục địa phương, biến mỗi tiết học trở thành một hành trình khám phá đầy hứng khởi. Không đơn thuần là những bài học lý thuyết mà các em đã biết lồng ghép các môn học khác như Văn học, Lịch sử vào bộ môn Giáo dục địa phương để tham gia tiết học bằng rất nhiều hình thức khác nhau; làm PowerPoint, quay video, ghi âm, hát , phỏng vấn, đóng vai…
Ngoài những giờ học tập trên lớp, các em còn chủ động tổ chức những buổi ngoại khoá theo từng nhóm nhỏ tại các di tích lịch sử ở chính làng, xã của mình; như Cây Đa La Tiến, đền thờ Tống Trân hay đền thờ các danh nhân địa phương. Tất cả đều được thực hiện với tinh thần tự giác, sự đoàn kết và tinh thần học hỏi không ngừng. Mỗi sản phẩm đều là minh chứng cho sự đầu tư, nỗ lực và niềm đam mê mà các em học sinh trường THPT Phù Cừ dành cho bộ môn này. Đặc biệt phải kể đến dự án nhóm của học sinh lớp 11A3, 11D1 về Cây Đa La Tiến ở Xã Nguyên Hoà. Với niềm đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, các em đã chia thành những tốp nhỏ đi ghi hình, trò chuyện cùng một số người già ở địa phương để có thêm những tư liệu thực tế rồi về cắt ghép hình ảnh, lồng tiếng, tạo thành những thước phim tư liệu sinh động.
*Ý nghĩa môn học đối với học sinh trường THPT Phù Cừ
Mỗi tiết học địa phương là một hành trình khám phá thú vị, mở ra trước mắt học sinh những chân trời kiến thức mới mẻ về quê hương. Qua từng tiết học, các em không chỉ được trang bị kiến thức cơ bản về lịch sử, địa lý, văn hóa của địa phương mà còn được rèn luyện nhiều kỹ năng sống thiết yếu. Các tiết học này giúp học sinh thấy rõ sự liên kết giữa lý thuyết và thực tiễn, từ đó nâng cao tính ứng dụng của kiến thức. Việc được trực tiếp tìm hiểu về những di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, hay các lễ hội văn hóa ngay tại địa phương đã giúp các em hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của những gì mình đã học. Hơn nữa, mỗi tiết học đều là cơ hội vàng để học sinh rèn luyện các kỹ năng mềm. Việc tự thiết kế PowerPoint giúp học sinh rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng; tự do sáng tạo, khả năng tư duy, tìm kiếm, tổng hợp thông tin,năng lực tự chủ và tự học. Qua các hoạt động thực tế như khảo sát, phỏng vấn, trình bày,… học sinh được rèn luyện nhiều kỹ năng sống cần thiết như giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện. Đặc biệt, việc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người của quê hương đã giúp học sinh hình thành các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
Đối với học sinh trường THPT Phù Cừ, ý nghĩa của môn học này vượt xa giới hạn của sách vở. Nó là cơ hội để các em nhận ra rằng mỗi ngõ xóm, mỗi con đường làng đều chứa đựng những câu chuyện thiêng liêng .Trước đây, các em chỉ biết đến quê hương mình thuở xưa qua những câu chuyện kể của ông bà. Thì giờ đây, nhờ môn học này mà mỗi học sinh đều có thể là người kể chuyện tiềm năng. Hiểu biết về quê hương sẽ giúp học sinh phát huy lòng tự hào dân tộc, hun đúc ý chí và khát vọng cống hiến. Giúp các em biết quý trọng những giá trị nhỏ bé nhưng lớn lao như; tình làng nghĩa xóm, sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên.
Sau một thời gian học tập môn Giáo dục địa phương, đa số học sinh đã thể hiện rõ tình yêu quê hương sâu sắc. Qua việc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người của địa phương, các em không chỉ tự hào về truyền thống, bản sắc dân tộc mà còn có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Điều này được thể hiện rõ qua các hoạt động tình nguyện, tuyên truyền bảo vệ môi trường mà các em tích cực tham gia.
*Một số hình ảnh minh hoạ.
Học sinh lớp 11A3 trong giờ Giáo dục địa phương
Học sinh lớp 11D2 trong giờ Giáo dục địa phương
Học sinh lớp 11D1 trong giờ Giáo dục địa phương
Học sinh lớp 11D2 trong giờ Giáo dục địa phương
Học sinh trường THPT Phù Cừ đến thăm và tìm hiểu về di tích Cây Đa La Tiến.
Người viết: Cô giáo Lưu Thuý Nga