MỘT VÀI GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC TỰ HỌC MÔN NGỮ VĂN Ở TRƯỜNG THPT PHÙ CỪ
Vậy chúng ta – những học sinh THPT cần làm gì để có thể tự phát triển khả năng tự học của bản thân một cách hiệu quả nhất? Đây có lẽ là băn khoăn, trăn trở của hầu hết các bạn học sinh chúng ta nói riêng và của toàn xã hội nói chung. Để trả lời cho câu hỏi này, tôi thiết nghĩ mỗi chúng ta cần phải nắm rõ đặc điểm của mỗi môn học đặc thù để có thể đưa ra phương pháp học sao cho phù hợp để đạt được kết quả cao. Trong bài viết này, tôi xin đề xuất một số kĩ năng giúp nâng cao hiệu quả tự học môn Ngữ Văn với mong muốn chia sẻ những kĩ năng hữu ích mà bản thân đã áp dụng. Tôi mong rằng bài viết có thể là một nguồn tham khảo hữu hiệu cho các bạn đang gặp khó khăn trong việc tự học bộ môn này.
1. Khái quát về năng lực tự học
1.1. Năng lực tự học
Trước hết, ta cần phải hình thành rõ ràng khái niệm về năng lực tự học: Theo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể 2018: “Năng lực tự học là sự bao hàm cả cách học, kỹ năng học và nội dung học, là sự tích hợp tổng thể cách học và kỹ năng tác động đến nội dung trong hàng loạt tình huống - vấn đề khác nhau”. Như vậy, năng lực tự học là khả năng xác định được nhiệm vụ học tập một cách tự giác, chủ động; tự đặt được mục tiêu học tập và nỗ lực phấn đấu để thực hiện mục tiêu; có phương pháp học tập hiệu quả; điều chỉnh những sai sót, hạn chế của bản thân khi thực hiện các nhiệm vụ học tập thông qua tự đánh giá hoặc góp ý của giáo viên, bạn bè; chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ khi gặp khó khăn trong học tập.
1.2. Năng lực tự học trong môn Ngữ văn
Ngữ văn là một môn học chiếm thời lượng lớn trong chương trình học của mỗi chúng ta. Môn học này góp phần không nhỏ trong việc giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng và hoàn thiện nhân cách cho con người. Năng lực tự học trong môn Ngữ văn có thể hiểu là khả năng tự khám phá, tự nghiên cứu, tự chiếm lĩnh các kiến thức về tiếng Việt, văn học bằng cách vận dụng những tri thức, những kinh nghiệm đã được học, đọc và rèn luyện từ thầy cô, bạn bè và từ chính trải nghiệm cá nhân.
2. Một số giải pháp nâng cao năng lực tự học môn Ngữ văn
Để nâng cao hiệu quả của việc tự học các môn học nói chung và môn Ngữ văn nói riêng, mỗi chúng ta cần:
2.1. Lập kế hoạch học tập chi tiết, khoa học.
Lập kế hoạch học tập là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà bất kỳ học sinh nào cũng cần phải biết để tối ưu hóa hiệu quả học tập. Đặc biệt, trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, việc có một kế hoạch chi tiết và kiên định theo đuổi là vô cùng cần thiết. Bằng cách lập kế hoạch, ta sẽ tránh việc mất thời gian vào những việc không cần thiết, đồng thời học và làm việc theo kế hoạch còn giúp bạn rèn luyện lối sống khoa học, quy củ và giúp mỗi người đạt được hiệu quả tốt hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Sau khi xác định được mục tiêu học tập, việc xây dựng một kế hoạch chi tiết và khoa học là bước quan trọng giúp bạn duy trì động lực, quản lý thời gian hiệu quả và đạt được kết quả tốt nhất. Một kế hoạch học tập tốt không chỉ giúp bạn tránh tình trạng học tập theo cảm hứng mà còn giúp bạn tối ưu hóa quá trình tiếp thu kiến thức. Trước tiên, bạn cần liệt kê cụ thể những kiến thức hoặc kỹ năng mình muốn rèn luyện. Hãy phân loại các nội dung theo mức độ quan trọng và mức độ khó, từ đó sắp xếp thứ tự ưu tiên.
(Hình ảnh minh họa của bản kế hoạch học tập)
2.2. Rèn luyện tính kỷ luật cao độ
Trong quá trình tự học, mỗi chúng ta cần hạn chế tối đa thậm chí ta nên tách biệt hoàn toàn với các thiết bị có thể gây sao nhãng, mất tập trung như: điện thoại, máy tính, tivi,… và các thiết bị khác. Bạn cũng có thể hẹn giờ tập trung trong khoảng thời gian từ 45-60 phút và nghỉ ngơi, đứng dậy đi lại và sau đó quay lại bàn học và tiếp tục chu trình tập trung. Chỉ khi thực sự quyết tâm và kỷ luật thì chúng ta mới thấy được hiệu quả rất rõ ràng trong quá trình tự học. Không những thế, điều này cũng chính là một trong những yếu tố tiên quyết, có ảnh hưởng to lớn đến sự thành công hay thất bại trong chính mục tiêu và kế hoạch ban đầu của bạn. Như vị doanh nhân người Mỹ Warren Buffett đã từng khẳng định: “Ta không cần phải thông minh hơn những người khác. Ta phải có kỷ luật hơn những người khác.” Bởi lẽ để đi được đường dài và chạm tay đến thành công chỉ năng lực thôi vẫn chưa đủ, tính kỉ luật mới chính là yếu tố quyết định cho điều ấy.
Tính kỉ luật còn được rèn luyện khi chúng ta tự tạo ra cho mình những nhóm học tập với quy định nghiêm ngặt. Hàng ngày, vào buổi tối hoặc sáng sớm, các nhóm tự học sẽ bật cam máy tính, điện thoại để theo dõi việc học của nhau, tạo động lực cho nhau học tập. Nếu duy trì được điều này bạn không chỉ rèn cho mình tính kỉ luật mà còn hỗ trợ nhau trong học tập.
(Hình ảnh nhóm tự học lớp 12D2)
2.3. Lựa chọn và kết hợp đa dạng các cách học khác nhau.
Với đặc điểm môn Ngữ văn yêu cầu sự tập trung cao độ để có thể ghi nhớ và tiếp thu các kiến thức đặc trưng đôi khi có thể khiến cho một số bạn học cảm thấy nhàm chán và mất tập trung, thiếu hứng thú, vậy nên, thay vì để bản thân bị “khuất phục”, mỗi chúng ta nên thử một số phương pháp học mới như: tổng hợp các phần tri thức Ngữ văn bằng sơ đồ tư duy, kết hợp học gắn liền với thực tế, tham gia một nhóm tự học,… Những phương pháp học mới này sẽ giúp mỗi chúng ta tiếp cận môn Ngữ văn một cách thoải mái hơn, sáng tạo hơn và thú vị hơn rất nhiều .
(Hình ảnh minh họa cho phương pháp tự học môn Ngữ văn qua sơ đồ tư duy )
2.4. Kiểm tra năng lực tự học của bản thân qua những bài tự đánh giá.
Việc kiểm tra năng lực tự học của bản thân là vô cùng cần thiết. Ta có thể tìm các bộ đề hay, mới lạ để thử sức đồng thời rút ra những kinh nghiệm từ lỗi sai để chỉnh sửa và hoàn thiện hơn từng ngày. Quá trình tự mình nhận ra lỗi sai, và rút kinh nghiệm từ chúng sẽ giúp người học ghi nhớ sâu hơn kiến thức. Qua việc làm các bài đánh giá định kì này sẽ giúp người đọc nhìn nhận được quá trình tự học của bản thân có thực sự hiệu quả hay chưa để điều chỉnh cho phù hợp hơn. Với môn Ngữ văn, chúng ta có thể tìm các đề của các sở trong cả nước và hẹn thời gian làm bài. Việc chăm chỉ, tích cực rèn luyện nhiều đề sẽ giúp chúng ta hoàn thiện hơn trong cách hành văn, làm quen với áp lực thời gian và cải thiện tốc độ viết bài.
(Hình ảnh bài tự đánh giá của học sinh lớp 12D2)
2.5. Tìm tòi, nghiên cứu các loại tài liệu
Ngoài việc làm đề để nâng cao năng lực viết thì tìm tòi nghiên cứu các loại tài liệu có uy tín cũng vô cùng quan trọng, giúp chúng ta nâng cao hiểu biết, mở rộng vốn ngôn từ, nâng cao khả năng diễn đạt và cảm thụ văn học. Để lựa chọn được tài liệu hay, có ích trong việc học tập, chúng ta có thể nhờ thầy cô tư vấn, giới thiệu. Mỗi ngày hãy dành ít nhất khoảng 30 - 45 phút cho việc đọc sách. Bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều từ những cuốn sách bổ ích đó.
(Tài liệu tự học môn Ngữ văn)
2.6. Nâng cao khả năng tự học thông qua sự chỉ dẫn của thầy, cô.
Trong trường học, thầy cô là những người có thể đưa ra ý kiến khách quan cũng những chỉ dẫn tận tình nhất để bạn có thể nâng cao vốn kiến thức của mình trong việc tự học. Việc tự học môn Ngữ văn đôi khi cũng sẽ có những khó khăn nhất định mà bản thân chúng ta không thể tự mình giải đáp được, khi ấy ta cần tìm đến sự hỗ trợ của thầy cô để giúp ta hiểu sâu, hiểu kĩ hơn vấn đề. Những nhận xét trực tiếp, kịp thời của thầy cô sẽ là động lực thúc đẩy mỗi chúng ta cố gắng làm tốt hơn trong những lần tiếp theo. Cũng từ đó mà mỗi chúng ta có động lực, hăng hái và chủ động hơn trong việc học tập của chính mình.
Có thể khẳng định rằng, việc nâng cao năng lực tự học môn Ngữ văn ở bậc THPT không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực mà còn cần sự chủ động và phương pháp học tập khoa học. Bằng cách áp dụng các phương pháp như lập kế hoạch học tập chi tiết, sử dụng sơ đồ tư duy, phân tích sâu tác phẩm,... mỗi chúng ta sẽ dần cải thiện khả năng tiếp thu và phát triển các kỹ năng cần thiết. Từ đó, không chỉ giúp tôi hay bạn đạt thành tích cao trong học tập mà còn tạo nền tảng vững chắc để mỗi chúng ta phát triển hơn trong tương lai. Con đường dẫn đến thành công không bao giờ có dấu chân của người khác, chỉ có dấu chân của chính bạn. Tự học là chìa khóa mở cánh cửa trí tuệ và dẫn bạn đến những giới hạn mới. Vậy nên, mỗi chúng ta hãy cùng nhau xây dựng cho mình những con đường từ sự kiên trì, tính kỉ luật và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi tin chắc rằng, chỉ có con đường ấy mới là con đường đưa ta tới thành công!
Tác giả : Hoàng Đình Hải – Đặng Thị Mỹ Anh lớp 12D2