A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

LỚP 10D2 TRƯỜNG THPT PHÙ CỪ VỚI TIẾT HỌC NGỮ VĂN “GIỚI THIỆU, ĐÁNH GIÁ VẺ ĐẸP CỦA TÁC PHẨM VĂN HỌC”

 

                                                                                           Người viết:

                                                                                                                                                                Đặng Thị Mỹ Anh lớp 10D2

                                                                                                                                                 Hoàng Đình Hải  lớp 10D2

 

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, bộ Sách giáo khoa Ngữ văn 10 Cánh Diều bao gồm 8 bài học, mỗi bài học đều thiết kế theo hướng tích hợp nội dung thông qua trục cốt lõi: Đọc, Viết, Nói và Nghe. Trong đó, “Nói và Nghe” chiếm 10% số tiết của năm học. Nội dung của các bài học phần “Nói và Nghe” tập trung phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học, khả năng thuyết trình và thảo luận của học sinh.

Trong đó, chúng em đặc biệt ấn tượng với phần Nói và Nghe “Giới thiệu, đánh giá vẻ đẹp của tác phẩm văn học” nằm trong Bài 8: Văn bản nghị luận. Tổ chức và điều hành lớp học là cô Lê Thị Hồi – giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn và cùng sự tham gia học tập của 41 thành viên Chi đoàn 10D2.

Trước tiết học, cô Lê Thị Hồi đã yêu cầu cả lớp tự đọc phần Định hướng SGK  Ngữ văn 10, tập 2, trang 110 -111, xem lại phần Nói và nghe, mục c (trang 27) của Bài 5.  Sau đó, tóm tắt những nội dung chính vào vở ghi. Cô chia lớp thành 4 nhóm. Mỗi nhóm chọn một tác phẩm đã học hoặc đã đọc để giới thiệu, đánh giá về nội dung và hình thức của tác phẩm đó. Căn cứ vào tiết học “Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học”, các nhóm tự xây dựng dàn ý của bài thuyết trình về một tác phẩm văn học thuộc các thể loại như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch đã học hoặc đã đọc.  Sản phẩm hoàn thiện trước giờ học. Sản phẩm trình bày qua các hình thức như vẽ sơ đồ tư duy trên giấy Ao, thiết kế Powerpoint, quay Video hoặc phỏng vấn chuyên gia… Dung lượng để báo cáo không quá 5 phút.

Trong giờ học, ở phần Định hướng, chúng em được trò chơi chọn từ, cụm từ điền vào chỗ trống. Cô giáo chiếu câu hỏi lên màn hình, yêu cầu học sinh quan sát, lựa chọn từ, cụm từ thích hợp trong SGK, trang 110 để điền vào chỗ trống. Mỗi bàn là một nhóm. Nhóm nào có tín hiệu trước sẽ được quyền trả lời. Nhóm nào trả lời được nhiều câu hỏi, nhóm đó sẽ được ghi điểm. Để có câu trả lời nhanh và chính xác, chúng tôi phải nghiên cứu kĩ nội dung được trình bày trong SGK. Trò chơi này vừa tạo không khí sôi nổi cho lớp học vừa giúp chúng em khắc sâu bản chất của việc giới thiệu, đánh giá vẻ đẹp của tác phẩm văn học, khắc sâu thêm những điều cần lưu ý khi giới thiệu, đánh giá cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học để có thể thực hành được tốt hơn.

(Cô Lê Thị Hồi  tổ chức cho học sinh tìm hiểu kiến thức cơ bản qua mục Định hướng)

Sau phần Định hướng, cô giáo cử bạn Quách Thị Hoàn Huyên lên điều hành buổi báo cáo và thảo luận.  Dưới sự điều hành của bạn Huyên, các nhóm lần lượt cử đại diện lên thuyết trình sản phẩm đã chuẩn bị trước, thời gian trình bày của các nhóm không quá 5 phút. Các học sinh khác sẽ lắng nghe, ghi chép lại những nội dung chính, những điều còn băn khoăn muốn được làm sáng tỏ.

Sản phẩm đầu tiên là phần giới thiệu về vẻ đẹp của tác phẩm “Lính đảo hát tình ca trên đảo” của nhà thơ Trần Đăng Khoa do các bạn nhóm 1 thực hiện. Đây là một trong số những tác phẩm viết khá chân thực và cảm động về người lính đảo. Bằng khả năng sáng tạo tuyệt vời, các bạn đã chọn hình thức quay video để giới thiệu về tác phẩm. Với hình thức này, các bạn không chỉ nâng cao năng lực cảm thụ văn học, năng lực làm việc nhóm, năng lực thuyết trình mà còn phát triển một số kĩ năng khác như: quay video, ghi âm, kĩ thuật lồng tiếng... Sản phẩm video của các bạn đã giúp chúng em càng hiểu hơn về cuộc sống và vẻ đẹp tâm hồn của người lính đảo. Chúng em càng thêm trân trọng, tự hào về họ, càng ý thức được sứ mệnh của tuổi trẻ với Tổ quốc hôm nay.

(Hình ảnh được cắt từ video thuyết trình về vẻ đẹp tác phẩm Lính đảo hát tình ca trên đảo

của bạn Hoàng Đình Hải và Trần Kim Đức)

Sau phần trình bày của nhóm 1 là phần thể hiện tài năng của nhóm 2. Thông qua hình thức phỏng vấn,  các bạn đã giới thiệu, đánh giá vẻ đẹp của tác phẩm “Người ở bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh – một tác phẩm viết rất cảm động về cuộc sống của con người thời hậu chiến. Hình thức này đã giúp các bạn phát huy nhiều năng lực cần thiết trong cuộc sống. Ngoài việc cảm thụ văn học, các bạn còn thể hiện khả năng xây dựng kịch bản, nâng cao năng lực giao tiếp, hợp tác, cách làm một cuộc phỏng vấn... Cũng qua đây, lại một lần nữa chúng em được thấm thía hơn thông điệp sâu sắc mà Sương Nguyệt Minh đã gửi gắm tới người đọc: Cuộc sống luôn đầy rẫy những khó khăn, thử thách, đôi khi cả những nghịch cảnh đau đớn, điều quan trọng, con người phải có ý chí nghị lực vượt qua, sống cuộc sống có ý nghĩa, phải biết sống nhân ái, bao dung...

(Bạn Đỗ Thị Khánh Linh và Hoàng Khánh Linh thực hiện phỏng vấn về  tác phẩm “Người ở bến sông Châu”)

Tiếp theo là sản phẩm của nhóm 3 với bài thuyết trình bằng Powerpoint về tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan” của nhà văn Thạch Lam. Thông qua bài thuyết trình của nhóm, chúng em được mở rộng vốn hiểu biết về thể loại truyện ngắn hiện đại, biết thêm một tác phẩm văn học mang màu sắc riêng: đầy chất thơ, viết về đề tài cuộc sống đời thường với những cảm xúc chân thành, sâu sắc của con người với gia đình. Từ nhân vật chính là Thanh, truyện đã gửi gắm tới người đọc nhiều bức thông điệp sâu sắc như cần phải biết sống gắn bó với làng quê, biết yêu quý những điều bình dị, đời thường, biết trân trọng tình cảm gia đình...

(Bạn Nguyễn Thị Mai thuyết trình về tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan”

Cuối cùng là bài thuyết trình của nhóm 4 về bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Dù là bài thơ rất quen thuộc với học sinh nhưng bằng những hình ảnh thiết kế Powerpoint đẹp mắt, qua giọng nói truyền cảm của bạn Lê Ngọc Tùng Dương, cả lớp như được sống trong bầu không khí hào hùng của dân tộc, không khí cả nước ào ào ra trận “tiếng hát át tiếng bom”, những năm mà thế hệ trẻ Việt Nam xông trận với lí tưởng sống cao đẹp “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

(Bạn Lê Ngọc Tùng Dương thuyết trình về tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”

Sau khi các nhóm đã thuyết trình về sản phẩm của nhóm mình, bạn Quách Thị Hoàn Huyên tiếp tục lên tổ chức cho các bạn đánh giá. Bạn Nguyễn Thị Lan Anh là thư kí ghi chép lại và tổng hợp kết quả đánh giá của các nhóm. Cô giáo đã đưa ra các tiêu chí cụ thể để các nhóm đánh giá về sản phẩm của nhóm khác.

Bảng tiêu chí đánh giá hoạt động thuyết trình

Tiêu chí

Hành động thực hiện

Đạt

Không đạt

1. Hoạt động Nói

- Lưu loát, rõ ràng.

 

 

- Âm lượng, tốc độ vừa phải.

 

 

- Giọng điệu truyền cảm, lôi cuốn.

 

 

2. Cấu  trúc bài thuyết trình

- Đảm bảo cấu trúc 3 phần (mở đầu, nội dung, kết thúc).

 

 

- Các phần của bài thuyết trình đã thể hiện đầy đủ nội dung cần thuyết trình về vẻ đẹp nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

 

 

3. Sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ

- Sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ: Ánh mắt, nét mặt, điệu bộ… để lôi cuốn người nghe.

 

 

- Có thái độ tôn trọng, trả lời câu hỏi của người nghe.

 

 

(Bạn Quách Thị Hoàn Huyên điều hành cho lớp nhận xét, đánh giá về sản phẩm của nhóm)

Cuối cùng, cô giáo tổ chức cho học sinh Kiểm tra và chỉnh sửa hoạt động Nói và nghe. Cô gợi ý các câu hỏi cho người nói và người nghe.

- Với người nói:

+ Rút kinh nghiệm về bài thuyết trình:

++ Đã thuyết trình đầy đủ các nội dung chuẩn bị trong dàn ý chưa?

++ Cách thức thuyết trình, phong cách, thái độ, giọng điệu, ngôn ngữ,... có phù hợp không?

++ Các phương tiện hỗ trợ có hiệu quả như thế nào?

+ Đánh giá chung:

++ Điều em hài lòng về bài thuyết trình của mình là gì?

++ Em mong muốn thay đổi điều gì trong bài thuyết trình đó?

- Với người nghe

+ Kiểm tra kết quả nghe:

++ Nội dung nghe được ghi chép lại có chính xác không?

++ Thu hoạch được những gì về nội dung và cách thức thuyết trình của các nhóm khác?

+ Rút kinh nghiệm về thái độ nghe:

++ Đã chú ý và tôn trọng người thuyết trình chưa?

++ Có nêu được câu hỏi và tham gia ý kiến trong quá trình thảo luận không?

Qua nội dung này, mỗi bạn đã tự nhận thấy những ưu điểm và những tồn tại trong từng hoạt động. Để từ đó, tự rút kinh nghiệm cho những bài học tiếp theo.

Có thể nói, tiết học đã thật sự đem lại cho chúng em rất nhiều điều bổ ích. Chúng em không còn học theo lối thụ động một chiều là chủ yếu “thầy” giảng, trò nghe nữa mà được chủ động khám phá tác phẩm, chủ động bày tỏ những suy nghĩ, những lời đánh giá, bình luận của mình về tác phẩm ấy.  Không chỉ với bài học “Giới thiệu, đánh giá vẻ đẹp của tác phẩm văn học” mà ở hầu hết các tiết học của phần Nói và Nghe trong chương trình Ngữ văn 10, chúng em đều được nâng cao kĩ năng thuyết trình, kĩ năng nghe tích cực,  kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thảo luận, kĩ năng tổ chức chương trình... Bài học không chỉ bồi đắp trong chúng em tình yêu với văn chương nghệ thuật mà còn giúp mỗi người trở nên tự tin khi trình bày một vấn đề trước đám đông, linh hoạt hơn trong cách giao tiếp, ứng xử... Chúng em vững tin rằng, với bộ SGK mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mỗi học sinh sẽ có điều kiện để nâng cao những kĩ năng, phẩm chất cần thiết trong cuộc sống, có nhiều cơ hội để thể hiện tài năng, sự sáng tạo của mình.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Hoạt động
Tin tức
Tin đọc nhiều